LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Phân tích
  • Phân tích tâm trạng của Bác trước cảnh đẹp trong bài thơ Ngắm Trăng

Phân tích tâm trạng của Bác trước cảnh đẹp trong bài thơ Ngắm Trăng

Đề: Qua bài thơ Ngắm trăng em hãy nêu ý kiến của mình về tâm trạng của Bác trước cảnh đẹp ấy. 'Như vậy câu thơ trong nguyên tác thể hiện được sự xúc động, bối rối của nhà thơ. Khi chuyển sang câu thơ dịch thì sự ‘bối rối’ tự vân đã mất, thay vào đó là...'

BÀI LÀM

Thường thường những cuộc ngắm trăng bao giờ cũng có rượu, có hoa, có khi còn thêm cả âm nhạc. Đó là truyền thống của người phương Đông.

Bài thơ Ngắm trăngcủa Bác được làm trong hoàn cảnh tù đày (ngắm trăng qua song sắt nhà tù). Đặc biệt là cuộc ngắm trăng này thiếu cả nước uống, cơm ăn và tất nhiên là không có ‘rượu, hoa’. Tuy vậy với tâm hồn của một nghệ sĩ lớn Bác vẫn xúc động và hoà hợp tuyệt vời với thiên nhiên.

Vì vậy ở bài thơ này Bác đã nhắc đến hai cái thiếu quan trọng đó là rượu và hoa. Có rượu để có thể ‘cất chén mời trăng sáng’ uống cả bóng trăng. Có rượu thì thi hứng sẽ thêm nồng. Còn hoa thì làm cho cảnh thêm lãng mạn, đẹp thơ mộng. Chỉ nhắc thiếu rượu và hoa mà không nhắc những thiếu thốn khác là quên tất cả những nhọc nhằn của nhà tù để đón nhận đêm trăng đẹp với tư cách của một ‘thi nhân’.

Tuy nhiên thiếu những thứ đó tâm trạng Bác cũng xúc động, bối rối. Bối rối vì hoàn cảnh ngắm trăng ở trong tù khi không có tự do và tìm chút tự do trong việc ngắm trăng.

Câu thơ thứ hai trong nguyên tác được viết dưới dạng câu hỏi:

‘Đối thử lương tiêu nại nhược hà? ‘

(Trước cảnh đẹp đêm nay, (ta) biết làm gì đây? )

‘Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ’ (câu thơ dịch)

Như vậy câu thơ trong nguyên tác thể hiện được sự xúc động, bối rối của nhà thơ. Khi chuyển sang câu thơ dịch thì sự ‘bối rối’ tự vân đã mất, thay vào đó là một sự phủ định ‘khó hững hờ’ để khẳng định Người không thể hững hờ trước cảnh đẹp.
Dù hoàn cảnh rất éo le, nhưng nhà thơ đã chủ động ứng xử rất tích cực. Cảnh ‘ngắm trăng’ vẫn diễn ra dù là ngắm suông. Không rượu, không có hoa, không tự do, song không vì thế mà tình yêu trăng bị mất đi. Nhà thơ chủ động hướng ra song cửa nhà giam để hướng tới vừng trăng. Rõ ràng phải có một tâm hồn rất nghệ sĩ, rất lãng mạn thậm chí là kiên cường nữa mới có thể thưởng thức vẻ đẹp của trăng nhưthế.

‘Vọng’ có nghĩa là ‘ngắm’nhưng đó là nhìn ngắm từ khoảng cách xa. Còn ‘khán’’cũng có nghĩa là ‘nhìn ngắm’nhưng ngắm từ khoảng cách gần. Nhân khán - Nguyệt khán. Như vậy là bình đẳng, gần gũi. Có cảm giác như ‘trăng’ đã rời bầu trời để xuống gần cửa sổ cho người ngắm và ngắm lại người.

Nét độc đáo khác của nghệ thuật là ở chỗ vẫn luôn cho cái song sắt nhà tù hiện ra chắn giữa hai phía người và trăng. Hai chữ ‘song’ chắn ở hai câu thơ nhưng không ngăn được sự giao cảm của thi nhân với vầng trăng. ‘Đúng là buồng giam không thể khoá hồn người, nhất là người đó lại là một chiến sĩ, một thi sĩ’.

Đọc hết bài thơ ta thấy quan hệ của trăng và nhà thơ là quan hệ bè bạn, bình đẳng, cả hai bên đều ngắm nhau. Như vậy trăng có vẻ đẹp của trăng, còn nhà thơ (tuy bị tù và thiếu đủ thứ) vẫn có một vẻ đẹp tâm hồn độc đáo. Nếu như viết ‘trăng theo khe cửa ngắm tù nhân' thì sẽ không bộc lộ hết cốt cách ‘thi gia’ ở hoàn cảnh này. Bác không xưng là ‘thi nhân’ mà là ‘thi gia’ có lẽ trước hết là do vần của bài thơ (vần ‘a’). Mặt khác đây là cuộc trò chuyện với trăng, cho nên ‘thi gia’ cũng hàm một ý vị vui đùa nữa. Có lẽ đây là lần duy nhất nhà thơ vui say với cảnh vật và tự xưng là ‘thi gia’. Mà tư cách thi gia, chỉ với tư cách đó mới có thể giao lưu với vầng trăng thân mật gần gũi và bè bạn. Một lần nữa người đọc được chứng kiến sự giao cảm đặc biệt của một ‘thi gia’ với vầng trăng.

Bài thơ ghi lại một buổi ngắm trăng bất bình thường của Bác. Không có tự do, không hoa, không rượu, nhưng Bác chủ động ngắm trăng. Tình cảm mãnh liệt với trăng đã làm cho cuộc ngắm trăng đầy thi vị.

Từ đó ta thấy tâm hồn Bác giàu cảm xúc và chan hoà với thiên nhiên. Rõ ràng xà lim không thể khoá được hồn người. Lao tù không thể dập tắt được nguồn cảm hứng rạt rào của Bác với ánh trăng đẹp. Song sắt nhà tù bỗng thành nhịp cầu để Bác ngắm trăng.