LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Phân tích
  • Phân tích tâm tạng Tản Đà trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội

Phân tích tâm tạng Tản Đà trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội

Đề: Phân tích tâm trạng Tản Đà trong bài thơ: ‘Muốn làm thằng Cuội’. 'Trong cái buồn chán của Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu ta còn cảm nhận cả một nỗi cô đơn không người bày tỏ...'

BÀI LÀM

Trong rất nhiều giấc mộng, Tản Đà có một giấc mộng rất độc đáo mang đậm phong cách ngông nghênh của một kẻ ‘tài cao, phận thấp, chí khí uất’, đó là giấc mộng ‘muốn làm thằng Cuội’.

Tản Đà ‘muốn làm thằng Cuội’ bởi chán ngán cảnh thần thế. Ông muốn lên tiên, thoát khỏi cuộc đời trước mắt để cười cợt cái bát nháo, nhố nhăng của một xã hội bất như ý trong cái nhìn của ông. Cái cuộc đời mà trong bài thơ ‘Năm hết hữu cảm’, ông đã cho rằng:

Sự nghiệp nghìn thu xa vút mắt Tài tình một gánh nặng trên vai.

Mở đầu bài thơ ‘Muốn làm thằng Cuội’ Tản Đà đã thổ lộ tâm trạng của mình không quanh co, giấu giếm:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Thoạt nhìn, câu thơ như một lời tự hào, thế nhưng nghĩ kĩ ta thấy lời thơ trĩu nặng tâm sự của Tản Đà. Quả vậy, cuộc đời của ông là những khối mâu thuẫn lớn, mâu thuẫn giữa ‘tài cao’ với ‘phận thấp’, mâu thuẫn giữa khát vọng vươn lên với sự trì trệ của xã hội nô lệ. Trong một bài thơ khác, Tản Đà đã chua chát:

Văn chương hạ giới rẻ như bèo

Những mâu thuẫn đó bị dồn nén trong tâm trạng ông, chúng đòi hỏi được giải thoát. Từ đó ta càng hiểu vì sao cuộc đời của Tản Đà có những giấc mộng, những giấc mộng buồn, chán:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi.

Trong cái buồn chán của Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu ta còn cảm nhận cả một nỗi cô đơn không người bày tỏ. Bởi không người bày tỏ nên nhà thơ đành tìm đến với chị Hằng. Tìm đến chị Hằng để giãi bày mà không phải ai khác, vừa bộc lộ nỗi cô đơn vừa thể hiện cái ngông của chính mình. Cái ngông của Tản Đà trong hoàn cảnh xã hội đầy ngang trái lúc bây giờ là một cách tự phản ứng, ở một chừng mực nào đó nó thể hiện nhân cách của kẻ sĩ ‘sinh bất phùng thời’ (sống không gặp thời). Câu thơ tưởng như tự trào nhưng chất chứa tâm sự.

Ông hỏi:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Và ước mong:

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

‘Nhắc lên chơi’, ước mong của Tản Đà là ‘lên chơi’ trên cung quế, với ông cuộc đời giống như những cuộc chơi lớn, nhỏ. Trong một bài thơ khác nhà thơ cũng nói đến cuộc chơi, lời thơ rất đẹp và mang đậm phong cách của Tản Đà.

Cửa động

Đầu non

Đường lối cũ

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Nhưng cho dù ước muốn có được thực hiện, chắc chắn Tản Đà sẽ không ngồi lâu ở cung quế. Tính cách phóng khoáng, tài trí của ông sẽ khiến ông đi tìm kiếm một nơi chốn khác, bởi cuộc đời với ông mãi mãi là một cuộc lãng du bất tận, không có một miền đất hứa nào cho con người luôn khinh đời ngạo thế ây.

Ông nói với chị Hằng: ‘Xin chị nhắc lên chơi’, một giọng đùa vui hóm hỉnh ngay cả trong cách xưng hô: ‘chị’, ‘em’. Tản Đà ‘muốn làm thằng Cuội’ thực chất chỉ là để chơi ngông với cuộc đời. Từ đó ta nên hiểu giấc mộng của Tản Đà như một thái độ phản ứng của một kẻ sĩ trước cuộc đời điên đảo. Phản ứng ấy hết sức chân thành và đây cũng là phản ứng của cả một lớp người có thành tâm nhưng bất lực trước vận nước.

Tản Đà chán đời ‘muốn làm thằng Cuội’ để quên đời, nhưng dù có ở nơi cung quế ông vẫn hướng về với cuộc đời trần thế:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Ông muốn tìm một chỗ đứng khác, từ trên cao nhìn xuống thế gian để cười cợt. Ngông nghênh là một phản ứng, cười cợt cũng là một cách phản ứng. Thái độ của Tản Đà ‘trông xuống thế gian cười’ biểu thị một cách khinh bạc đối với đời.

Đọc bài thơ ‘Muôn làm thằng Cuội’ ta thông cảm với tâm sự buồn chán của Tản Đà trước một cuộc sống trần gian. Ông muốn chạy trốn cuộc đời để nhìn đời khinh bạc nhưng ước muốn cũng chỉ là ước muốn, nhà thơ vẫn sống với tâm trạng giằng xé, xót xa.