LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Phân tích
  • Phân tích phần mở đầu bài thơ Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Phân tích phần mở đầu bài thơ Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Đề: Mở đầu ‘Bình Ngô đại cáo ‘, Nguyễn Trãi có viết: ‘ Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo ‘.Hãy giải thích hai câu ấy.

BÀI LÀM

Nguyễn Trãi được sinh ra và trưởng thành vào lúc nước nhà lâm vào tình trạng rối ren khiến Trần Nguyên Đán đã có nhiều đêm không ngủ, muốn mê đi trên  giường bệnh để khỏi thấy cảnh hỗn loạn quanh mình. Con rể của ông, Nguyễn Phi Khanh cũng bao lần than thở. Kịp khi Hồ Quý Ly lên làm vua, Nguyễn Phi Khanh đồng ý ra làm quan. Nguyễn Trãi đậu thái học sinh, cùng ra làm quan với bố. Quân Minh lấy cớ ‘diệt Hồ phò Trần’ đem quân qua đánh. Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Tàu. Nghe lời cha dặn, Nguyễn Trãi nung nấu

chí căm thù. Ông tìm gặp Lê Lợi, cùng sát cánh với lãnh tụ lỗi lạc này trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Kháng chiến thành công, ông thừa lệnh Lê Lợi soạn ‘đại cáo Bình Ngô’ công bố cho toàn dân trong không khí hân hoan toàn quốc. Mở đầu bản ‘thiên cổ hùng văn’ ấy là hai câu khẳng định yêu cầu lớn lao nhất của mọi người dân sống trên đất nước:

‘ Việc nhãn nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo‘

Trước hết, chúng ta hãy tìm nghĩa của hai câu ấy. ‘Nhân nghĩa’ ở câu đầu nguyên chữ là ‘nhân ái, nghĩa vụ’. ‘Nhân ái’ là lòng yêu thương con người. Ai cũng có lòng nhân ái, nhưng nếu chỉ có nhân ái không thôi thì chưa đỏ, cần biểu hiện lòng thương người bằng hành động. Bởi vậy là ‘nhân ái’ cần đi liền với ‘nghĩa vụ’, lòng thương người gắn liền với việc mà mỗi người buộc phải làm. ‘Việc nhân nghĩa’ chính là phần việc mà mỗi người cần phải làm để biểu hiện lòng thương người. ‘Cốt yên dân’: ‘Cốt’ là cái lõi, vật cứng đặt ở giữa cho vững chắc. Ở đây có nghĩa bóng là điều quan trọng, điều chính yếu, điều đứng đầu. ‘Yên dân’ là người dân sống trong cảnh yên bình, chẳng một ai bị sách nhiễu. Như vậy, ở câu đầu, Nguyễn Trãi đã khẳng định yêu thương con người, việc quan trọng nhất, chính yếu nhất là tạo cho người dân cuộc sống thanh bình, chẳng một ai có quyền sách nhiễu họ nếu họ không phạm vào phép nước. ‘Dân yên’ là ao ước bình thường của mọi thành viên trong xã hội, còn ‘yên dần’ chính là bổn phận của mọi người trong đó trách nhiệm lớn nhất vẫn là những người ‘chăn dắt’ họ.

‘Quân’ ở câu thứ hai chính là ‘quân tử’, người học rộng, tài cao, thâu hiểu đạo lý thánh hiền, chuyên làm việc phải mà vị trí cao nhất là vua quan: ‘Điếu phạt’ nguyên chữ là ‘điếu dân phạt tội’. ‘Điếu’ là thương, đau đớn vì thương. Người quân tử, vua quan vì thương dân, đau xót cho dân mà cất quân diệt trừ những kẻ bạo tàn.

Tóm lại, hai câu trên Nguyễn Trãi xác định nghĩa vụ của người cai trị đối với  dân là giúp dân sống yên ổn. Nếu dân sống không yên thì vì thương dân mà cất quân trừ diệt những kẻ bạo tàn.

Tại sao Nguyễn Trãi lại đặt hai câu ấy vào đầu bài Bình Ngô đại cáo?

Xét cho cùng thì vì đó là vấn đề chính của mọi người cùng sống một thời trong  một quốc gia. ‘Dân’ có yêu cầu của ‘dân’, ‘quân’ có nghĩa vụ của ‘quân’. Nước có tôn ti trật tự bao giờ cũng khởi đầu từ nghĩa vụ và tình thương thực lòng đó. Nguyễn Trãi đã đưa vấn đề ‘yên dân’ và ‘trừ bạo’ làm tư tưởng mâu chốt của quyền tự chủ dân tộc. Từ đó, tác giả chứng minh cho mọi người thấy những gì đã xảy ra trong quá khứ để nhân đó mà trình bày sự việc vừa mới châm dứt. Những sự việc ấy thật quan trọng, quan trọng vô cùng bởi chúng quyết định sự sống còn, tiến bộ của dân tộc; bởi chúng gắn liền với xương máu của bao thế hệ, với bao người đã ‘Phú rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu Và làm cho đất cát hoang vu Biến thành một dải sơn hà gấm vóc;

Với bao người mà:

‘Máu họ đã len vào máu đất

Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông‘

Đúng, tư tưởng ‘yên dân’ và ‘trừ bạo’ là tư tưởng chủ đạo của triều đình (thuở xưa), của nước nhà (hôm nay). Và Nguyễn Trãi đã chứng minh cho tư tưởng chủ đạo ấy bằng những nội dung khái quát nhưng cơ bản và rõ ràng có từ thuở Hùng Vương dựng nước cho đến triều đại gần gũi nhất: nhà Trần; và tác giả cũng không quên so sánh, đối chiếu với các triều đại Trung Hoa cổ để mọi người, kể cả kẻ thù cùng nhất trí, đồng lòng:

‘Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương’ ‘Xây nền độc lập - hùng cứ một phương’ là những hành động biểu hiện tư tưởng ‘yên dân’ trong giới hạn của biên cương lãnh thổ mà lịch sử đã công nhận. Triều đinh, người dân hai nước chẳng ai xâm lược, quấy nhiễu ai. Nhưng nếu ai đó mang tư tưởng xâm lược, làm cho dân không được yên ổn làm ăn thì đã có lời cảnh cáo:

‘Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau Song hào kiệt đời nào cũng có ‘

Ta hãy lấy vài sự kiện gần gũi với thời Nguyễn Trãi để giải thích tư tưởng ‘yên dân’ và ‘trừ bạo’. Đời nhà Lý, quân Chiêm Thanh và quân nhà Tống xâm lược nước ta thì đã có anh hùng hào kiệt Lý Thường Kiệt phá tan trận chiến của quân Tống trên sông Như Nguyệt ở phương Bắc, rồi bình định giặc Chiêm ở phương Nam. Quân nhà Nguyên xâm lược đất nước ta. ‘Chúng uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ... lại thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa chân báu, vơ vét của kho có hạn’. Chẳng những ‘chủ nhục - nước nhục’ mà dân còn không được yên khi quân Nguyên tràn qua. Bởi vậy mà có hàng loạt ‘hào kiệt’ như Trần Quốc Tuân, Trần Quang Khải, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão... xuất hiện để ‘trừ bạo’.

Như thế, trừ bạo cho dân yên không chỉ trừ giặc xâm lược mà còn dẹp cả những gì, những ai làm cho dân lo sợ, phập phồng làm suy yếu nền kinh tế quốc dân.

Hai câu thờ mở đầu Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thật có ý nghĩa. Ngày nay, tư tưởng ấy vẫn canh cánh trong tâm trí của những người có trách nhiệm trước nhân dân. ‘Yên dân - trừ bạo’ còn là tư tưởng chung của bao nước trên hành tinh này. Có lẽ nhờ mối đồng cảm ‘điếu dân’ mà Nguyễn Trãi được Tổ chức giáo dục - khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là danh nhân văn hoá thế giới, và tổ chức lễ kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông thật trọng thể vào năm 1980 vậy.