LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Phân tích
  • Phân tích đoạn văn trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Phân tích đoạn văn trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Đề: Phân tích đoạn văn trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. 'Bản tuyên ngôn ấy, do Nguyễn Trãi lấy lời Lê Lợi mà viết nên, thật xứng đáng là tác phẩm của một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà văn lớn mà nhân dân ta và thế giới...'

Phân tích đoạn văn trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

BÀI LÀM

‘Bình Ngô đại cáo’ là ‘áng văn chương muôn đời bất hủ’ trong kho tàng văn học nước nhà, là bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng, tập trung các hào khí của cả một dân tộc trong một thời đại.

Bản tuyên ngôn ấy, do Nguyễn Trãi lấy lời Lê Lợi mà viết nên, thật xứng đáng là tác phẩm của một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà văn lớn mà nhân dân ta và thế giới đã long trọng kỉ niệm năm trăm năm sinh (1480 - 1980). Đó là bản tổng kết, đánh giá đầy đủ, súc tích, sắc sảo về cuộc kháng chiến chông Minh gian khổ suốt mười năm trời mà nhân dân nước Đại Việt đã tiến hành dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Nguyễn Trãi đã mở đầu tác phẩm lớn của mình bằng một lời tuyên bố chắc nịch:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Đó là nguyên lí lớn nhất của đời, nguyên lí lớn nhất của dân tộc ta, cũng là cái nguyên tắc lớn nhất mà ông tuân theo. Rất nhiều người thường nói đến

nhân nghĩa, bọn hôn quân vô đạo, bọn giặc Minh xâm lược cũng nói nhân nghĩa... Vậy lây cái gì để phân biệt được nhân nghĩa chân chính và nhân nghĩa giả mạo? Nguyễn Trãi bảo: chớ nói suông, chớ huyênh hoang khoác lác, chớ lập lờ đánh lận con đen; cái ‘chiếu yêu kinh’ là ở đây, cái hòn đá thử vàng chính là ở chỗ này:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

Yên dân, chỗ cốt lõi là đó. Việc nhân nghĩa phải có tác dụng yên dân; và việc gì khiến yên dân chính là việc nhân nghĩa. Nhưng yên dân là gì? Là dân được yên, ăn yên, ở yên, sống yên; là nhân dân yên vui, từ chốn kinh kì đông đúc cho đến nơi thôn xóm vắng vẻ đâu đâu cũng vui vẻ hạnh phúc, không có tiếng than vãn oán hờn.

Đưa ra một tiêu chuẩn nhưthế về nhân nghĩa, quả Nguyễn Trãi đã đứng ở một vị trí tuyệt đối đúng đắn, muôn đời sau tiêu chuẩn ấyvẫn không hề thay đổi. Ngày nay, Đảng ta nói: ‘Lây dân làm gốc’ chính là không ngoài ý ấy’. ‘Yên dân’ là cái thước để đo, cái chuẩn để tính mọi việc trên đời có nhân nghĩa hay không nhân nghĩa. Vì thế, trong một cuộc chiến tranh, một quân đội chính nghĩa là quân đội coi mục đích cao nhất là vì dân mà trừ bạo. Nhân nghĩa là chính nghĩa.

Mở đầu với hai cầu ngắn gọn, Nguyễn Trãi đã xác định cái chuẩn để đánh giá cuộc kháng chiến. Đó là tư tưởng nhân nghĩa, tiêu chuẩn yên dân được thể hiện trong suốt bài hịch, mặc dầu không được nhắc lại, đã không ngừng lấp lánh như ánh sáng từ một vầng mặt trời duy nhất.

Lùi xa hơn về quá khứ, nhìn lại lịch sử, Nguyễn Trãi đã khẳng định lịch sử nước Đại Việt từ khi lập nước cho đến hôm nay là lịch sử của một đất nước đầy tự hào, vì có nhân nghĩa, theo nhân nghĩa.

Cái triều đại Đinh, Lê, Lí, Trần đã mạnh, đã chiến thắng, bởi cái mạnh đầu tiên là cái mạnh của nhân nghĩa. Kẻ thù trong các triều đại ấy thất bại vì yếu, cái yếu cốt lõi: mất nhân nghĩa. Đưa ra dẫn chứng không thể bác bỏ được, Nguyễn Trãi kết luận:

Việc xưa xem xét

Chứng cớ còn ghi.

Đi vào nhìn nhận cuộc kháng chiến từ đầu, Nguyễn Trãi xác định nguyên nhân của cuộc chiến tranh. Cái cớ đầu tiên ‘họ Hồ chính sự phiền hà ‘, làm mất nhân nghĩa ‘để trong nước lòng dân oán hận’. Nhưng đó chỉ là cái cớ chứ không phải là nguyên nhân, riêng cái cớ ấy chưa đủ tạo nên chiến tranh.

Trong phần này, những hình ảnh, những câu văn nói về quân ta nhưng chủ yếu tập trung một số câu văn nói về quân giặc. Điều ấy một phần vì để có ý văn được liền mạch nhưng hẳn lí do chính là để vẽ ra cái thế yếu, thế thua liên tục, không tránh khỏi, không gượng nổi của quân giặc. Hình ảnh kẻ thù tuy chỉ được tả những nét chính, mỗi tên tướng giặc tuy chỉ được nhắc qua, nhưng lại được vẽ ra với những nét thật là bản chất: hung hăng khi đắc thế, hoảng hốt, hèn nhát khi gặp hiểm nguy, tráo trở khi có cơ hội, thảm bại khi thất trận. Chúng lúng túng, vùng vẫy một cách bất lực và tuyệt vọng trong cái vùng lưới cứ khép chặt đầu lại của đạo quân chính nghĩa vì dân trừ bạo. Chúng đúng là một lũ phi nghĩa từ tướng đến quân. Thất bại là phải. Không thất bại mới là điều lạ.

Trong văn chương từ cổ chí kim thật chưa có những câu văn hào hùng như thế, hả dạ hả lòng như thế. Sung sướng thay những người chiến thắng. Nguyễn Trãi quả đã nói được niềm hạnh phúc và tự hào của cả một dân tộc, cả một thời đại.

Không biết các nhà nho ta ngày xưa khi đọc ‘Bình Ngô đại cáo’ bằng nguyên văn chữ Hán sang sảng đến chừng nào, khoái trá đến chừng nào chứ chúng ta hôm nay, đọc ‘Bình Ngô đại cáo’ qua bản dịch, cũng thấy nhiều lúc lòng như run lên vì tự hào, phấn chẩn và cảm động. Ta tự hào vì dân tộc ta có một đại thi hào đã để lại cho kho tàng văn học nước nhà một tác phẩm vĩ đại sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng các thế hệ Việt Nam.