399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến được vẽ nên hình ảnh một vùng nông thôn hẻo lánh, người bạn đến chơi nhà nhưng tác giả không có gì để tiếp đãi bạn mình.
Tuy nhiên, không vì thế mà tình bạn của hai người có sự thuyên giảm... bởi tình bạn dựa trên tinh thần, không phải vì hình thức. Chính vì dựa trên nền tảng tinh thần, nên tình bạn của cả hai vẫn luôn gắn kết và tồn tại mãi mãi.
Dưới đây là nhữn bài văn hay phân tích bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến để các em tham khảo:
Bài 1. Bài văn của em Trần Kha Ly đã phân tích bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến:
Sống trong ngọc đá kim cương
Không bằng sống giữa tình thương bạn bè
Câu ca dao đã nêu bật được một tình cảm thiêng liêng đáng quý - Tình bạn chân thành thắm thiết. Nguyễn Khuyến, một vị quan về ở ẩn mang nỗi cô đơn u hoài, sống hiu quạnh nơi nông thôn, cũng cảm xúc dạt dào khi gặp lại bạn cũ. Ta hãy lắng nghe tiếng nói chân thành mộc mạc của nhà thơ khi nói với bạn:
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta
Bài thơ đã khơi dậy trong ta niềm xúc động trước tấm chân tình của nhà thơ Nguyễn Khuyến
Một chút nhẹ nhàng tự nhiên hóm hỉnh được tác giả mở đầu bằng câu thơ:
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Phân tích bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến - Ảnh minh họa
Câu thơ như một lời chào hồ hởi thân mật vừa bộc lộ nỗi vui bất ngờ vừa tỏ ý trân trọng, quý mến bạn. Đã bấy lâu nay có nghĩa là một thời gian dài, một thời gian nhà thơ không gặp bạn, giờ đây có dịp gặp nhau làm sao mà không xúc động, không vui mừng cho được. Từ lúc cáo quan về vui sống với cảnh điền viên, ông chỉ biết lấy thiên nhiên làm bạn. Trái tim ông gửi trọn cho đất nước quê hương, nên tâm hồn luôn khắc khoải u hoài. Trong những giây phút ấy mà không ai không muốn có một người bạn để tâm sự, để an ủi. Người bạn đó đã đến với ông - Còn nỗi vui mừng nào hơn. Chính nỗi vui mừng, bất chợt mà Nguyễn Khuyên đã thốt ra lời bông đùa với bạn một cách dí dỏm cho thoả lòng trông đợi.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có.
Mới nghe qua, ta thấy dường như nhà thơ tỏ ý làm tiếc rằng đã lâu lắm rồi bạn mới tới nhà vậy mà không có một thứ gì để tiếp, bạn để thết đãi bạn cả: chợ thì xa, người nhà trẻ con đều đi vắng cả, ao thì sâu mà nước lớn, nên không chài bắt được cá; vườn rộng thênh thang thì khó mà bắt được gà. Đến một cây cải, mớ cà hoặc một quả bầu, một trái mướp cũng không sẵn; thậm chí một miếng trầu để tiếp khách cũng không có. Tác giả đang phân trần, giải thích sự thiếu sót của mình. Thực ra đây chỉ là cách nói cường điệu như vậy mà đã đùa với bạn, vừa tỏ thái độ nhớ mong chờ đợi bấy lâu mà thôi. Và qua những lời trần tình ấy ta cũng hiểu được cuộc sống của tác giả ở làng quê: đạm bạc, giản dị, luôn gắn bó với nông thôn.
Nhịp thơ đều đặn 4-3 nhẹ nhàng êm ái như một lời thủ thỉ, kèm theo là nụ cười hóm hỉnh, cười vui của tác giả. Đối lập với những cái "không" ấy là cái có thật đáng quý.
Bác đến chơi đây, ta với ta...
Câu thơ bộc lộ thật rõ nét tình cảm chân thành của tác giả đối với bạn. Đó là một tình cảm thiêng liêng cao quý. Quan hệ bạn bè ở đây được xây dựng trên cơ sở vững chắc là tình cảm yêu thương chân thật không màng đến vật chất. Bác đến chơi đây không có gì cả, chỉ có ta với ta khiến ta nhớ đến câu kết trong bài Qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan khi đứng trước cảnh đèo ngang hoang vắng cô liêu, đang mang nặng một nỗi u buồn, niềm suy tư khôn cả, không thể tâm sự cùng ai, nên bà tự quay về với lòng mình “ta với ta”. Còn “ ta với ta” mà nhà thơ Nguyễn Khuyến sử dụng nhằm chỉ nhà thơ và người bạn tuy hai mà một, tuy một mà hai, nó gắn bó quyện chặt vào nhau, không gì chia cắt được. Ở đây chỉ có ta với ta nhưng lại có tất cả. Bởi vì tình bạn giữa ta với ta mới là cao quý, nó không đòi hỏi bất kì một điều kiện vật chất nào cả, thậm chí cả một miếng trầu làm đầu câu chuyện để tiếp bác cũng không. Qua đó ta mới thấy nghệ thuật trào lộng của Nguyễn Khuyến thật là hóm hỉnh nhẹ nhàng mà tế nhị sâu sắc.
Bài thơ thể hiện sự thành công của tác giả trong bút pháp trào phúng. Ngôn ngữ được sử dụng một cách đặc sắc. Tuy là bài thơ Đường với khuôn mẫu bó buộc nhưng lời thơ lại bình dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Những sản vật của nông thôn được đưa vào thơ ông thật đậm đà hương vị làng quê. Ngôn ngữ quần chúng kết hợp với âm a (nhà, xa, cá, gà, hoa, ta) thể hiện rõ nét chất phác thật thà đôn hậu của một con người. Chính yếu tố âm điệu, nhịp điệu bài thơ phối hợp nhịp nhàng tạo ra một mạch thơ liên tục, thanh thoát, tự nhiên như lời nói chuyện tâm tình của nhà thơ với người bạn tri âm tri kỷ của mình.
Đây là một trong những bài thơ hay về tình bạn trong sáng chân thành thắm thiết của Nguyễn Khuyến. Bài thơ làm nổi bật một nét đẹp trong cuộc đời và thơ văn Nguyễn Khuyến. Ông xứng đáng là một nhà thơ của làng quê Việt Nam. Tình bạn cao cả tuyệt vời của nhà thơ sẽ là bài học giúp ta tìm và cảm nhận được những tình cảm thiêng liêng đáng quý đó.
-------------------------------------
Bài 2. Bài văn của em Nguyễn Hồng Hân đã phân tích bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến:
Nguyễn Khuyến từng được Xuân Diệu mệnh danh là nhà thơ cùa làng cảnh Việt Nam. Thế nhưng ngoài những bài thơ tả cảnh (tiêu biểu là ba bài thơ thu) Nguyễn Khuyến còn có những bài thơ đậm đà tình nghĩa. Bài thơ "bạn đến chơi nhà" là một trong số những bài thơ như thế:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xơ.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Bài thơ mở đề một cách rất tự nhiên, mộc mạc và giản dị đúng như phong cách của người thi sĩ:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Câu thơ là lời chào mời niềm nở thể hiện niềm vui mừng khôn xiết của những người bạn thân thiết lâu nay mới gặp gỡ nhau. Thế nhưng sự độc đáo của bài thơ lại ở những câu thơ kết tiếp. Những câu thơ liên tục dựng lên những tình huống hóm hỉnh, vui tươi.
Phân tích bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến - Ảnh minh họa
Kết cấu đề thực luận của một bài Đường luật gần như bị phá vỡ thay vào đó là những câu thơ kể người kể việc. Bạn bè từ xa lâu nay mới đến thăm, chủ nhà rất mừng lòng. Nhà thơ muốn đem tất cả mọi thứ mình có để thiết đãi bạn. Và đúng là có nhiều thứ thật: có cá, có gà, có bầu, có mướp… thế nhưng những thứ ấy đều không thể đem ra dùng được. Bởi:
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Và:
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bâu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Những câu thơ vẽ ra tình huống quả là độc đáo. Tất cả dường như đều nằm ngoài thiện ý của nhà thơ. Thế là từ chuyện chọn thứ gì để mà tiếp bạn, tác giả đã dắt tay người bạn thân và cùng mời luôn người đọc đi thăm thú vườn cây ao cá, thăm thú cuộc sống thanh bạch, ấm áp, vươi tươi mà nhà thơ đang hưởng thụ.
Sự táo bạo của bài thơ còn tiếp tục mở ra trong câu thơ thứ bảy:
Đầu trò tiếp khách trầu không có
Phải chăng cái sự nghèo của Nguyễn Khuyến lại đến mức thế ư? Chắc là không phải thế! Nhà thơ chắc đã thi vị hóa cái nghèo của mình. Làm như thế nhà thơ muốn tách hẳn mình ra khỏi cuộc sống bon chen với bao nhiêu thứ bổng lộc mà thực dân Pháp đang muốn mang ra dụ dỗ. Và tất nhiên câu thơ này là bước đệm tuyệt vời cho sự bùng nổ ý tứ ở câu thơ thứ tám:
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Vậy là tiếp bạn, nhà thơ chẳng có mâm cao cỗ đầy, chẳng có cao lương mĩ vị mà chỉ có một tấm lòng chân thành, giản dị, thiết tha.
Bài thơ của Nguyễn Khuyến là một bài thơ độc đáo về câu từ, sắc sảo trong việc sử dụng biện pháp liệt kê. Sự phá cách đầy sáng tạo của nhà thơ đã làm nên một bài thơ đặc sắc, đậm đà tình nghĩa. Nó vừa khẳng định tài năng vừa khẳng định nhân cách cao đẹp, lại vừa ngợi ca tình bạn thắm thiết, chân thành.