LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Kể chuyện
  • Kể lại những tình huống trong truyện ông lão đánh cá và con cá vàng

Kể lại những tình huống trong truyện ông lão đánh cá và con cá vàng

Đề: Kể lại những tình huống xảy ra và nêu tóm tắt ý nghĩa của truyện ông lão đánh cá và con cá vàng.

Bài Làm

Có một ông lão đánh cá rất nghèo, nhưng tốt bụng. Một hôm, ông ra biển đánh cá bắt được một con cá vàng. Cá vàng biết nói nên van xin ông lão thả ra và hứa sẽ đền ơn. về nhà ông lão kể lại với mụ vợ, bị vợ mắng là dại, sao không xin cái máng lợn. Sau đó “được voi đòi tiên”, mụ bắt lão đòi cá vàng ngày càng phải thỏa mãn lòng tham của mụ đến mức cá vàng không chịu nổi nữa, lấy lại hết những cái đã cho mụ. Tội nghiệp cho ông lão, khi đã “cầu được ước thấy” mọi thứ, mụ quay lại chửi mắng, đánh đập và đuổi lão ra khỏi nhà. Cuối cùng mụ đã bị trừng trị vì lòng tham và sự bội bạc.

Trong truyện, năm lần ông lão ra biển gọi cá vàng để nói lại sự đòi hỏi của mụ vợ, mỗi lần mặt biển lại thay đổi:

Lần thứ 1:Biển gợn sóng êm ả.

Lần thứ 2:Biển xanh nổi sóng.

Lần thứ 3:Biển nổi sóng dữ dội.

Lần thứ 4:Biển nổi sóng mù mịt.

Lần thứ 5:Biển nổi sóng ầm ầm. Một cơn dông tố kinh khủng kéo đến.

Cảnh biển thay đổi, sóng mỗi lúc thêm mạnh, chứng tỏ biển đã nổi giận. Cơn giận mỗi lúc một dữ dội hơn tương ứng với lòng tham của mụ vợ ngày càng tăng lên:

Lần thứ 1:Mụ chỉ đòi cái máng lợn.

Lần thứ 2:Mụ đòi có một tòa nhà đẹp.

Lần thứ 3:Mụ muốn làm nhất phẩm phu nhân.

Lần thứ4:Mụ đòi làm nữ hoàng.

Lần thứ 5:Mụ đòi làm Long Vương, có cá vàng theo hầu.

Sự đòi hỏi quá đáng này khiến cho biển cả và cá vàng không thể chiều theo ý muôn của mụ được nữa! Tất cả những gì mụ đã có được đều bị lấy lại hết.

Tồi tệ hơn nữa, mụ vừa tham lam vừa bội bạc. Nhờ có ông lão mà mụ thỏa mãn được ước muốn tham lam, nhưng mụ lại đối xử với ông lão rất tồi tệ: mụ đay nghiên, mắng mỏ và đày đọa người chồng.

Lần thứ 1:Mụ mắng chồng và càu nhàu khiến ông lão không ở yên được.

Lần thứ 2:Mụ quát to hơn, mắng nhiều hơn.

Lần thứ 3:Mụ mắng như tát nước vào mặt chồng. Khi ông lão từ biển trở về, mụ bắt chồng xuống quét dọn chuồng ngựa như một tên đầy tớ.

Lần thứ 4:Mụ giận dữ, nổi trận lôi đình, tát vào mặt chồng. Khi đã làm nữ hoàng, thấy chồng trở về, mụ không thèm nhìn, ra lệnh đuổi đi.

Lần thứ 5:Mụ lại nổi cơn thịnh nộ, sai đi bắt ông lão đến.

Thói bội bạc và tàn bạo của mụ đối với người chồng đã lên tới tột đỉnh. Nhưng mụ còn bội bạc cả với cá vàng - con vật có nhiều phép đã giúp mụ thỏa mãn lòng tham, mụ đã không biết ơn lại còn muốn bắt cá vàng theò hầu như tôi tớ để mụ còn nổi máu ngông cuồng gì nữa thì sai bảo. Cuối cùng, mụ phải trả giá, bị trừng phạt, mất hết những gì đã có, trở lại nghèo hèn như cũ.

Từ tham lam mụ trở nên bội bạc, tàn nhẫn và trở nên ngông cuồng mất hết nhân tính. Ba lần đầu ham muốn của mụ là của cải, danh vọng. Hai lần sau, ngoài lòng tham danh vọng mụ còn tham quyền lực và bộc lộ một tâm địa bội bạc đến mức: “Trời không dung, đất không tha”.

Cuôì cùng, cái tốt và cái thiện tồn tại, cái tham lam và thói bạc ác bị trừng phạt xứng đáng. Ở đây không có quan tòa, không có lời tuyên án, nhưng sự trừng phạt có ý nghĩa đầy đủ của một sự xét xử công bằng. Lòng tham và thói bạc ác, ích kỉ sẽ không còn đất sống. Có ý kiến cho rằng mụ ta đã gây nên tội (chửi bới, đánh đập, xua đuổi chồng), nhưng cuối cùng mụ vẫn “trắng án” vì chỉ trở lại trạng thái nghèo nàn ban đầu vốn có của mụ mà không bị trừng phạt gì thêm! Nói như thế là đã quên một điều rằng nếu mụ biết dừng lại khi đã bước vào tòa lâu đài với sự giàu có tột đỉnh, nếu mụ biết điều cùng ông lão hưởng hạnh phúc thì mụ đâu có bị mất hết. Vậy phải trở lại cái trạng thái ban đầu là mụ đã bị trừng phạt rồi.