399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Bài Làm
Tình huống tạo ra “cái đáng cười’ là một anh có tính hay khoe của muốn phô trương cái áo mới của mình. Nhưng đứng mãi ở cửa từ sáng đến chiều vẫn chưa gặp ai để khoe cả. Anh ta tức lắm. Đến đây người
đọc mới thấy cái lố bịch nhưng chưa thể cười được vì mới chỉ là tình huống chuẩn bị cho sự xuất hiện và phát triển của cái đáng cười hơn.
“Cái đáng cười” chỉ nảy sinh cùng với sự xuất hiện của anh “lợn cưới” (đang chuẩn bị cưới vợ), một người đồng bệnh của anh “áo mới” đang bực bội vì chưa gặp ai để “khoe” và để được “khen” cả.
Như một màn kịch nhỏ diễn ra khi hai đối thủ “đồng bệnh” gặp nhau. Kịch tính phát triển cao độ và thú vị nhất là anh “áo mới” lại bị anh “lợn cưới’ thực hiện được trước cái “máu khoe của”. Quả là một tay cao thủ, đang bối rối vì con lợn bị sổng mà anh vẫn tranh thủ vừa hỏi, vừa khoe được: “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không”. Và anh “áo cưới” đầu có chịu thua kém! Từ cái thế bị động, anh ta nhanh chóng giành lại thế chủ động bằng câu trả lời đạt yêu cầu mĩ mãn cho cái bệnh khoe khoang: “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả”.
Thật là “kì phùng địch thủ”! Tác giả truyện cười đã khéo cấu trúc tình huống gặp gỡ. Cả hai nhân vật tưởng vớ được “đối tượng” để khoe khoang, hóa ra phải đối mặt với “địch thủ”, làm phơi bày ra sự lố bịch có hạng, buộc cái cười phải bật ra giòn giã.
Thủ pháp nghệ thuật ở đây là tác giả để cho mỗi người nói một câu, mỗi câu thêm một hay vài từ để lộ ra cái lố bịch. “Áo” và “Lợn” đều phải thêm “mới” và “cưới” vào. Và họ gặp nhau rất đúng lúc (mỗi người đã mang sẵn một sự lố bịch và khi họ gặp nhau thì cái lố bịch tăng gấp đôi.
Truyện Lợn cưới, áo mới phê phán nhẹ nhàng thói hay khoe của, thói xấu của một số người. Bởi vậy truyện không hoàn toàn là mua vui, hài hước, mà thấp thoáng có ẩn giấu một nụ cười mỉa mai, chế giễu cái bệnh “khoe của” đó.
Thủ pháp nghệ thuật gây tiếng cười ở đây là tác giả đã khéo léo tạo nên tình huống làm lộ tẩy sự lố bịch của hai anh khoe của. Vì thế, về mặt giao tiếp ngôn ngữ, cả hai nhân vật đều đưa ra những thông tin thừa. (Bác có thấy con lợn cưới... Từ lúc tôi mặc cái áo mới này...).Nhưng chính nó - những thông tin thừa - lại là điều mà những người khoe của muốn thông báo. Nói khác đi, thói khoe của đã khiến cho lời nói biểu hiện sự lố bịch, mà có khi chính bản thân họ không nhận ra.