LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ đáng kính của chúng ta, xung quanh Bác có rất nhiều câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất.

Bác Hồ tuy là vị lãnh đạo đáng kính, nhà cầm quân giỏi, là vị chủ tịch của đất nước, song trong đời sống, Bác rất giản dị và luôn yêu thiên nhiên.

Xung quanh Bác có rất nhiều câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất, về ao cá của Bác, về tài ứng khẩu của Bác, về chuyện Bác đi chợ Tết... rất đáng để chúng ta học hỏi và khâm phục.

Dưới đây là những câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất mà chúng tôi đã sưu tầm để cung cấp cho đọc giả:

Bài 1. Câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất: Ao cá Bác Hồ

Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, đây là một ao tù nước đọng, hươu, nai của Toàn quyền Đông Dương vẫn tới đây uống nước. Khi về ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý anh em phục vụ cải tạo nơi này thành ao nuôi cá để cải thiện đời sống và làm cho môi trường thêm trong lành.

Ao rộng hơn 3000 mét vuông, nơi sâu nhất khoảng 3 mét. Trong ao thả nhiều loại cá khác nhau như: trắm, chép, mè, rô phi... để có thể tận dụng nguồn thức ăn ở các tầng nước.

Câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất

Câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất - Ảnh minh họa

Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra cầu ao trước nhà sàn cho cá ăn, thức ăn chủ yếu cho cá là cám và những mẩu bánh mỳ, cơm được anh em phục vụ phơi khô đựng vào chiếc hộp để cạnh cầu ao .Trước khi cho cá ăn, Người thường vỗ tay gọi cá, lâu dần tiếng vỗ tay của Người đã cho cá một phản xạ, hễ cứ nghe tiếng vỗ tay cá lại bơi về cầu ao. Bác nhớ đặc điểm của từng con cá chép đỏ nên có lần sau khi đi công tác về, Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác - xem tại sao không thấy con cá gáy đỏ của Bác về ăn như mọi khi? Mấy hôm sau Bác rất vui kể rằng con cá gáy đỏ lại đã trở về rồi. Bác còn chú ý bảo vệ đàn cá, những năm trời rét đậm Bác nhắc anh em kiếm bèo tây về ngăn vào một góc ở hướng Bắc để che gió lùa và cho cá có nơi trú ẩn.

Cá trong ao được dùng để cải thiện bữa ăn cho anh em trong cơ quan, tiếp khách trong và ngoài nước. Hàng năm, vào những ngày lễ, ngày tết cổ truyền, hoặc vào dịp sinh nhật mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc anh em phục vụ đánh cá để biếu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tặng anh em trong đơn vị bảo vệ và các gia đình trong cơ quan có cháu nhỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mong muốn các địa phương trong cả nước phát triển nghề nuôi cá để cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế từng hộ nông dân, góp phần nâng cao đời sống của toàn xã hội.

Năm 1959, hợp tác xã Tiền Phong- Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội là đơn vị đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng gần 100 con cá rô phi để nuôi. Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động phong trào "Ao cá Bác Hồ". Sau cuộc phát động, cá giống từ ao cá trong khu Phủ Chủ tịch được gửi cho nhiều địa phương và một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến vùng đồng bằng.

Việc phát triển "Ao cá Bác Hồ" nhận được sự hưởng ứng của nhân dân cả nước, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

---------------------------------

Bài 2. Câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất: Bác đi chợ Tết

Vào dịp Tết cổ truyền năm 1962, Bác Hồ nói với đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an bố trí để Bác đi chợ Đồng Xuân, trung tâm mua bán sầm uất nhất của Hà Nội. Mục đích đi chợ Tết của Bác là để biết được khả năng mua bán hàng hóa của nhân dân; quan hệ giữa người mua và người bán, qua đó phần nào biết được thực tế cuộc sống và mối quan hệ tốt đẹp của xã hội ta.

Câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất

Câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất - Ảnh minh họa


Lãnh đạo Bộ chỉ thị cho Cục Cảnh vệ phải thực hiện tốt việc này. Cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh vệ được giao nhiệm vụ rất lo lắng về trách nhiệm của mình, anh em khẩn trương đi nắm tình hình khu vực chợ. Vào dịp Tết, người các nơi dồn về chợ Đồng Xuân rất đông, có lúc lên đến hàng vạn. Nếu mọi người biết Bác đi xem chợ thì họ sẽ chen lấn xô đẩy để được gần Bác, như vậy rất khó bảo vệ. Nhưng lãnh đạo Cục Cảnh vệ quyết tâm thực hiện bằng được chỉ thị của Bộ Công an, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Bác đi chợ Tết. Nhiều phương án bảo vệ được đặt ra. Cuối cùng một phương án tối ưu được Bộ chấp nhận, đánh giá cao và báo cáo lên được Bác khen ngợi. Tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Bác, cùng với tôi còn có một chiến sĩ trẻ, khỏe, nhanh nhẹn. Bác và chúng tôi phải hóa trang để bảo đảm bí mật.

Bác hóa trang rất khéo. Bác đội chiếc mũ cát màu trắng, đeo kính trắng, mắt kính tròn, gọng nhỏ, giống kính mà các cụ đồ nho ngày xưa thường dùng. Bác mặc chiếc quần sô cũ, đã phai màu, áo ấm, nhưng bên ngoài mặc thêm chiếc áo mưa vải sờn vai, chân đi đôi dép cao su, khăn quàng cổ nhiều vòng, vừa che kín bộ râu, vừa làm cho khuôn mặt khác đi rất nhiều, ngay cả anh em cảnh vệ cũng khó nhận ra. Ba Bác cháu cùng đi xem chợ được hóa trang bằng mối quan hệ gia đình. Bác là "bố", tôi là "con", chiến sĩ trẻ là "cháu". Người cháu theo ông đi chợ, tay xách làn mây, đựng vài củ hành, dăm củ cà rốt và một ít rau thơm.

Buổi đi chợ hôm đó, tôi thấy Bác rất vui. Đang đi trên đoạn cuối phố Hàng Khoai, chuẩn bị đến cổng phía sau chợ Đồng Xuân, Bác dừng lại, ngắm nhìn quang cảnh nhộn nhịp ở chợ Bắc Qua (chợ Bắc Qua lúc đó họp ngoài trời, chỉ vài cái lều lá lưa thưa), rồi rẽ trái đi thẳng vào chợ. Tôi hơi lo vì trong kế hoạch, Bác không đi xem chợ Bắc Qua, nên vội thưa mời Bác:

- Bố ơi, đi đằng này cơ mà.

Vừa nói, tôi vừa giơ tay chỉ về phía cổng chợ. Bác nhìn tôi mỉm cười, rồi cầm tay áo tôi khẽ nói:

- Bố con mình vào đây đã!

Cảnh chợ Bắc Qua ngổn ngang, chật chội, nhiều chỗ hàng chất thành đống, đi lại khó khăn. Tôi vượt lên trước rẽ lối mời Bác đi. Khi đến chợ Đồng Xuân, Bác đi xem. Bác đặc biệt quan sát, tìm hiểu thái độ, quan hệ giữa người bán với người mua và giá cả từng loại hàng. "Cam này bao nhiêu một cân? Vải hoa bao nhiêu tiền một mét? Cá tươi, cải bắp bao nhiêu?"... Người mua đông như nấm, vài người sơ ý chạm nhẹ vào tay Bác, họ lễ phép xin lỗi. Bác gật đầu đáp lại và mỉm cười khoan dung, độ lượng. Đến hàng thịt, Bác dừng lại hỏi giá, chị bán hàng trả lời, Bác lại đi.

Thăm xong chợ Đồng Xuân, tôi mời Bác đến xem chợ hoa ở gần đấy. Tôi rẽ lối đưa Bác đi. Đến một góc phố, bỗng Người dừng lại ngắm mấy cụ đồ nho ngồi viết câu đối, người mua, người đứng xem vòng trong, vòng ngoài, trò chuyện râm ran. Tôi thoáng nhìn thấy vầng trán mênh mông của Bác hơi nhíu lại rồi Người đi tiếp. Đến hàng bán hoa, Bác ngồi xuống chọn một bó hoa tươi và hỏi giá. Chị bán hàng nói giá năm hào, tôi lo Bác bị lộ nên nhanh miệng trả luôn hai hào và mời Bác đi. Tất nhiên chị bán hoa không bán vì tôi trả giá quá rẻ. Hiểu ý câu trả giá rẻ của tôi là vì trách nhiệm bảo vệ, nên Người đứng dậy đi và nói nhỏ để tôi đủ nghe:

- Trả giá như chú thì đi chợ cả ngày cũng chẳng mua được gì. Bị Bác phê bình lúc ấy tôi chỉ biết cười xòa.

Kết thúc buổi đi chợ Tết, tôi mời Bác đến nơi quy định để xe đón về nhà. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Cục cảnh vệ đã có mặt đầy đủ ở đây, vui vẻ chào Bác. Bác cười vui, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ, khen lực lượng cảnh vệ đã có nhiều tiến bộ và cố gắng trong công tác chuyên môn. Cuối cùng Bác kết luận:

- Buổi đi chợ hôm nay đạt yêu cầu, nhưng Bác cháu ta chẳng mua sắm được gì cả.

Bác cháu cười vui. Xe lướt nhẹ bên những cành đào đỏ thắm.

Tết Nguyên đán năm 1962, Bác dặn chúng tôi tìm cho Bác thăm một gia đình thật sự còn nghèo túng ở Thủ đô nhưng không được để cho địa phương và gia đình đó biết trước. Sau khi Bác đi thăm và chúc Tết một số gia đình công nhân, trí thức, chúng tôi đưa Bác đến thăm gia đình chị Tín là gia đình nghèo ở phố Hàng Chĩnh. Chị sống cảnh góa bụa, một mình nuôi bốn con nhỏ nên đời sống rất khó khăn. Đêm 30 Tết còn phải đi gánh nước thuê để lấy tiền đong gạo. Hôm ấy trời mưa phùn, giá lạnh, được Bác đến thăm bất ngờ, ngỡ như trong mơ, chị buông rơi đôi thùng gánh nước, ôm chầm lấy Bác, nước mắt tràn ra không nói nên lời. Bác cũng xúc động, rưng rưng khi biết năm mẹ con chị chỉ còn một lon gạo ăn Tết. Sau đó, Bác cho gọi các đồng chí có trách nhiệm của thành phố Hà Nội đến phê bình và chỉ thị phải chăm lo cải thiện đời sống cho nhân dân; giải quyết ngay việc làm và trợ cấp khó khăn cho gia đình chị Tín. Sau chuyến thăm đó, Bác nói với chúng tôi: "Các chú thấy việc kiểm tra thực tế có cái lợi là làm cho mình thấy được sự thật".