LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Câu chuyện cảm động về gia đình

Đề tài: Tình cảm gia đình rất thiêng liêng, bạn hãy kể một câu chuyện cảm động về gia đình của bạn hoặc đã chứng kiến?

Trong gia đình, tình cảm giữa ông bà, cha mẹ, con cái... là những tình cảm rất thiêng liêng và cao quý. Tình cảm này là sự hy sinh, là sự đùm bọc quan tâm lẫn nhau không tính toán...

Câu chuyện cảm động về gia đình, giữa cha mẹ, ông bà, con cái... đôi khi khó cầm được nước mắt...

Dưới đây là những câu chuyện cảm động về gia đình đã được chúng tôi sưu tầm để các bạn tham khảo:

Bài 1. Câu chuyện cảm động về gia đình: Một tiếng ba khó gọi đến vậy sao?

Người mà tôi phải gọi là ba đã xuất hiện sau bao đêm dài tăm tối, nhưng trong tôi vẫn chẳng có chút cảm xúc nào với ông ấy.

Từ nhỏ tôi chỉ biết đến mẹ, tuổi thơ tôi là những ngày tháng sống trong căn nhà lạnh lẽo chỉ có hai người. Mẹ luôn đi sớm về muộn, nhiều khi mẹ còn chẳng về nhà nữa. Căn nhà mái ngói nhỏ luôn dột mỗi khi trời mưa, bóng điện ngoài hiên đã hỏng từ lâu mà chẳng có ai sửa chữa. Có lẽ mọi người thấy nó giống căn nhà của một gia đình vượt khó, nhưng thực sự nhà tôi không nghèo, ngôi nhà ấy chỉ là từ lâu thiếu đi sự quan tâm của người lớn, thiếu hơi ấm của một người đàn ông mà thôi.

Câu chuyện cảm động về gia đình

Câu chuyện cảm động về gia đình - Ảnh minh họa

Trong mắt mẹ dường như là không tồn tại. Bà chưa từng nhìn thẳng vào tôi, chưa từng âu yếm hay nói với tôi những lời dỗ dành ngon ngọt. Trong kí ức năm tháng tuổi thơ tôi luôn nhớ về mẹ với những câu đay nghiến, trì chiết và chửi rủa. Đôi khi tôi cảm thấy hận bà vô cùng. Bà ghét tôi đến vậy tại sao lại sinh ra tôi trên cõi đời này. Tôi hận bà cho tôi sự sống để rồi ruồng bỏ tôi như một nghiệp chướng. Tôi rất ghét, rất hận nhưng chưa từng nghĩ tới việc rời bỏ mẹ vì suy cho cùng bà vẫn là một người phụ nữ tội nghiệp. Nhiều khi đêm về tôi vẫn nghe thấy bà khóc rồi tự chửi mình mà thấy xót xa.

Bà chưa từng kể cho tôi về bố, cuộc sống của tôi không biết đến một người thân nào khác ngoài mẹ. Ngày trước khi học cấp 1 tôi vẫn luôn bị bạn bè cười trêu là đứa con hoang, mỗi lần như vậy tôi chỉ biết khóc mà chạy về nhà. Tôi đã từng hỏi mẹ về bố nhưng lần nào bà ấy cũng chỉ khóc mà gào lên “mày làm gì có bố”. Từng câu, từng chữ của bà đã luôn đi theo tôi suốt chặng đường tuổi thơ dài, nó cứ bám theo tôi đến cả giấc mơ, một sự thật mà tôi không bao giờ chấp nhận nổi.
Tôi hay xem phim trên tivi, có nhiều bộ phim về những đứa trẻ như tôi nhưng mẹ chúng hay nói rằng bố chúng chết rồi và… tôi cũng từng ước mẹ sẽ nói vậy chứ không phải câu “không có bố” kia. Tôi căm ghét cụm từ “con hoang” của lũ bạn, cũng ghét lời mắng chửi của mẹ, ghét ánh mắt diễu cợt , coi thường của bọn trẻ trong xóm. Ghét nhưng tôi vẫn cứ sống và lớn lên như vậy.

Lớn hơn một chút, tôi chẳng còn quan tâm về bố, cũng chẳng quan tâm tới mẹ nữa. Bà vẫn chỉ xuất hiện vào ban đêm và đóng tiền học cho tôi đúng kì, vậy là đủ. Tuy rằng căn nhà này có hai người sống nhưng về căn bản luôn chỉ có mình tôi. Nhiều khi tôi cũng từng rất nhớ một ông bố tưởng tượng, và cũng từng vẽ ra những hình ảnh về bố, rồi còn cả viết thư cho ông ấy nữa. Những bức thư đã đầy trong một hộp sắt đựng bánh nhưng bố thì chưa một lần xuất hiện.

Mỗi ngày, ngoài việc học thật giỏi tôi chẳng còn thú vui nào khác nên việc đỗ vào một trường chuyên không có gì là khó. Ngày đầu tiên bắt đầu đi học tôi đã rất yêu thích môi trường ấy. Ở đó không ai hỏi bố tôi là ai cả, cũng không ai hỏi tôi sống ở đâu hết, mỗi người nơi ấy chỉ nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ khi tôi học giỏi, và mọi người luôn cười với tôi khi tôi được thầy cô khen ngợi. Vào cấp ba, tôi thực sự quên hết bao chuyện không vui trước kia và chỉ sống như một cô học trò ngoan, một người bạn thân thiện. Không còn nghĩ về bố, không còn nghĩ về mẹ, không còn nghĩ mình đã sinh ra như thế nào.

Tôi từng ước thời gian cứ êm đềm trong sự lãng quên như vậy, nhưng có lẽ cuộc đời không bao giờ diễn ra như người ta muốn. Lần sinh nhật thứ 18 cũng là lần đầu tiên mẹ về sớm mua bánh, mua kẹo, mua những món ăn ngon. Khi ấy mẹ đã cười với tôi, lần đầu trong đời bà cười và nhìn tôi như vậy, thậm chí bà còn mua cho tôi một chiếc váy làm quà sinh nhật và cứ khen mãi tôi mặc đẹp.

Tất cả như thể trong mơ, giấc mơ mỗi đêm tôi đã từng thấy. Khi thức ăn bày xong xuôi trên bàn, mẹ cứ bắt tôi phải mặc bộ váy mới, và bà nói có mời thêm một vị khách. Ở nơi đây 18 năm rồi, tôi chưa từng biết đến một vị khách và điều này càng khiến tôi tò mò. Tôi hỏi nhưng mẹ chỉ cười.Tôi lạ lẫm, tôi khó hiểu chỉ biết nhìn mẹ rồi nhìn người đàn ông ấy. Cùng lúc ấy, mẹ nói với tôi “ Con chào bằng ba đi”.

Một tiếng “ba”, mẹ nói ra thật dễ dàng nhưng nó lại khiến tai tôi ù đi, mọi thứ ong ong trong đầu, không còn suy nghĩ nổi những gì mẹ vừa nói. 18 năm, khoảng thời gian dài đến vậy mà lần đầu tiên mẹ nói với tôi về ba, người đàn ông lịch thiệp kia tiến lại gần vuốt lên mái tóc dài của tôi rồi nói với mẹ “con gái chúng ta lớn quá rồi”.

Thật nực cười, tôi thấy nực cười và giả dối vô cùng trước sự xuất hiện ấy, trước những lời nói ấy. Sau đó, tới vài tháng sau, tôi vẫn chưa từng gọi ông ấy là “ba”. Chúng tôi đã rời khỏi căn nhà nhỏ cũ kỹ và đến một nơi sang trọng hơn rất nhiều. Mẹ cũng chẳng còn đi sớm về muộn mà luôn ở nhà nấu cơm, làm việc nội trợ như bao người phụ nữ khác. Lúc này đây tôi vẫn chưa thể hiểu nổi điều gì đang diễn ra. Mọi thứ thật sự quá nhanh, 18 năm sống cùng bóng tối của chiếc đèn hiên đã hỏng, tôi chưa từng nghĩ những ngày tháng này dù chỉ trong mơ.

Giây phút này đây, ngồi viết ra những dòng tâm sự tôi vẫn hoang mang, lạ lẫm với cuộc sống trước mắt. Tôi không biết mình có nên gọi người đàn ông kia là “bố” không nữa. Tôi hận người đàn ông đã sinh ra tôi và bỏ mặc. Con đường tiếp theo, tôi sẽ phải làm gì đây? Người mà tôi phải gọi là ba đã xuất hiện sau bao đêm dài tăm tối, nhưng trong tôi vẫn chẳng có chút cảm xúc nào với ông ấy. Tôi có nên rời bỏ gia đình này không? Thực sự tôi không có cảm giác đây là một gia đình, các bạn ạ…

-------------------------------------

Bài 2. Câu chuyện cảm động về gia đình: Chuông reo nửa đêm

Nửa đêm. Những ý nghĩ lo lắng bỗng tràn đầy trong đầu óc của người mẹ. Và người mẹ nhấc máy “Alô ?”. Bỗng bà nghĩ đến con gái mình. Bà nắm ống nghe chặt hơn và nhìn về phía người bố, lúc này đã tỉnh dậy xem ai đã gọi điện cho vợ mình.

Câu chuyện cảm động về gia đình

Câu chuyện cảm động về gia đình - Ảnh minh họa

– Mẹ đấy ạ? – Giọng nói trên điện thoại cất lên, như đang thì thầm, rất khó đoán là người gọi bao nhiêu tuổi, nhưng chắc chắn là cô gái đó đang khóc. Rất rõ. Giọng thì thầm tiếp tục:

– Mẹ, con biết là muộn rồi. Nhưng đừng nói … đừng nói gì, để con nói đã. Mẹ không cần tra hỏi đâu, đúng con vừa uống rượu. Con mới ra khỏi đường cao tốc và… Có cái gì đó không ổn.

Người mẹ cố im lặng…

– Con sợ lắm. Con chỉ vừa mới nghĩ là mẹ có thấy đau lòng không nếu một cảnh sát đến cửa nhà mình và bảo con đã chết vì tai nạn. Con muốn… về nhà. Con biết, một đứa con gái bỏ nhà đi quả thật là hư hỏng. Con biết có thể mẹ lo lắng. Lẽ ra con nên gọi cho mẹ từ mấy ngày trước, nhưng con sợ… con sợ…

Người mẹ nắm chặt ống nghe, nuốt tiếng nấc. Người mẹ nén những cái nhói lên đau đớn tận trong tim. Khuôn mặt con gái bà hiện rõ ràng ngay trước mặt bà. Bà cũng thì thầm: “Mẹ nghĩ…”.

– Không! Mẹ để con nói hết đã! Đi mẹ… – Giọng cô gái năn nỉ, lúc này giọng cô gái như một đứa trẻ không được che chở và đang tuyệt vọng.

Người mẹ đành dừng lại, và bà cũng đang nghĩ xem nên nói gì với con. Giọng cô gái tiếp:

– Con là đứa hư hỏng, mẹ ạ! Con trốn nhà! Con biết con không nên uống rượu say thế này, nhưng con sợ lắm, mẹ ơi! Sợ lắm… – Giọng nói bên kia lại ngắt quãng bởi những tiếng nấc. Người mẹ che miệng, mắt đầy nước.

Tay người mẹ chạm vào ống nghe điện thoại làm vang lên tiếng “cạch”, nghe như tiếng đặt máy, cô gái vội kêu lên:

– Mẹ còn nghe con không? Con xin mẹ đừng đặt máy! – Con cần mẹ, con thấy cô đơn lắm!

– Mẹ đây, mẹ sẽ không đặt máy đâu – Người mẹ nói.

– Mẹ ơi, con lẽ ra phải nói với mẹ. Con biết lẽ ra con phải nói với mẹ. Nhưng khi mẹ nói chuyện với con, mẹ chỉ luôn bảo con là phải làm gì. Mẹ nói mẹ đã đọc hết quyển sách tâm lý và biết cách dạy con, nhưng tất cả những gì mẹ làm là chỉ bắt con nghe thôi. Mẹ không nghe con. Mẹ không bao giờ để con nói với mẹ là con cảm thấy ra sao. Cứ như là cảm giác của con chẳng quan trọng gì vậy. Có phải vì mẹ nghĩ mẹ là mẹ của con và mẹ biết hết mọi lời giải đáp không ? Nhưng đôi khi con không cần những lời giải đáp. Con chỉ cần một người lắng nghe con…

Người mẹ lặng đi. Bà nhìn những quyển sách tâm lý bà để ở đầu giường. – Mẹ đang nghe con đây – Người mẹ thì thầm.

– Mẹ ơi, khi ở trên đường cao tốc, con không điều khiển nổi xe nữa. Con nhìn thấy một cái cây to lắm chắn đường con. Con muốn đâm vào nó. Nhưng con cảm thấy như con đang nghe mẹ dạy rằng không thể lái xe khi vừa uống rượu. Cho nên con dừng lại đây. Mẹ ơi, vì con vẫn còn… muốn về nhà – Cô gái dừng lại một chút – con đi về nhà đây, mẹ, cho con về, mẹ nhé?

– Không – người mẹ vội ngắt lời, cảm thấy cơ thể như đông cứng lại – con ở yên đó! Mẹ sẽ gọi một chiếc taxi đến đón con. Đừng tắt máy, hãy nói chuyện với mẹ trong khi chờ taxi đến.

– Nhưng con muốn về ngay, mẹ ơi…

– Nhưng hãy làm điều này vì mẹ, hãy chờ taxi đi, mẹ xin con.

Người mẹ thấy cô gái im lặng. Thật đáng sợ. Không nghe cô trả lời. Người mẹ nhắm mắt, thầm cầu nguyện trong khi người bố đi gọi một chiếc taxi. Cô gái im lặng rất lâu nhưng cô không tắt máy và người mẹ cũng vậy.

– Có taxi rồi mẹ ạ! – Tiếng cô gái bỗng vang lên và có tiếng xe ôtô dừng lại. Người mẹ bỗng thấy nhẹ nhõm hơn.

– Con về nhà ngay đây, mẹ nhé!

Có tiếng “tích”, có lẽ là tiếng tắt máy điện thoại di động. Rồi im lặng. Người mẹ đứng dậy, mắt nhòe nước. Bà đi vào phòng cô con gái 16 tuổi. Người bố đi theo, và hỏi:

– Em có nghĩ là cô bé đó sẽ biết là cô đã gọi nhầm số điện thoại?

Người mẹ nhìn đứa con gái đang ngủ ngon trên giường, và trả lời:

– Có lẽ cô bé đã không gọi nhầm…

– Bố mẹ làm gì thế ? – Giọng ngái ngủ của cô con gái cất lên khi cô mở mắt và thấy bố mẹ đứng cạnh giường mình.

– Bố mẹ đang tập… – Người mẹ trả lời.

– Tập gì ạ ? – Cô bé lẩm bẩm, gần như lại chìm vào giấc ngủ.

– Tập lắng nghe – Người mẹ nói thầm và vuốt tóc cô con gái…