LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Cảm nghĩ
  • Cảm nghĩ của em về truyện ngắn cô bé bán diêm

Cảm nghĩ của em về truyện ngắn cô bé bán diêm

Đề: Truyện ngắn ‘Cô bé bán diêm’ của An-đéc-xen đã đem lại cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì sâu sắc?

TÌM HIỂU ĐỀ

1.                    Kiểu đề: Phát biểu cảm nghĩ.

2.                    Nội dung:

-           Giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

-           Ngòi bút nhân ái của tác giả.

3.                    Phạm vi tư liệu: Truyện ngắn ‘Cô bé bán diêm’ và những hiểu biết về An-đéc-xen (xem sách giáo khoa).

DÀN BÀI

A.                    MỞ BÀI: Cảm xúc ngậm ngùi trước cuộc đời em bé bán diêm.

B.                    THÂN BÀI:

-           Cái chết của cô bé bán diêm. Bao diêm bị đốt hết nhấn. Tác giả đặt ra trước mắt người đời một cảnh ngộ thương tâm.

-           Cô bé đi bán diêm:

+ Đêm rét dữ dội.

+ Em bé đầu trần, chân đất, lội tuyết trên đường phố.

+ Đêm nay lại là đêm giao thừa, cảnh ngoài đường và trong nhà hoàn toàn trái ngược: rét mướt ấp áp, đói no.

+ Người qua đường vô tâm trước một sinh linh nhỏ bé nghèo khổ.

-           Cô bé đốt những que diêm để nuôi dưỡng giấc mơ hạnh phúc và sưởi ấm.

-           Ảo ảnh hiện ra rồi biến mất.

C.                   KẾT BÀI:

-           Ý nghĩa của truyện ngắn.

-           Nên có nhiều chương trình giúp đỡ trẻ em nghèo khổ, cơ nhỡ.

BÀI LÀM

Cô bé bán diêm là một câu chuyện nhỏ có vị trí quan trọng trong truyện cổ An-đéc-xen. Qua tác phẩm, An-đec-xen đã làm hiện lên trước mắt chúng ta hình ảnh của một em bé gái nghèo khổ, bất hạnh, mồ côi mẹ. Câu chuyện đã gỢi cho người đọc một nỗi cảm thương, xót xa trước cảnh ngộ khốn cùng và cái chết thương tâm của cô bé. Trong cuộc đời này, còn có gì đau đớn hơn khi một đứa trẻ bị bỏ rơi, cô đơn, lẻ loi giữa đời.

Lòng ta như quặn đau khi nghĩ đến hình ảnh cô bé một mình bơ vơ giữa một không gian mênh mông trong đêm tối. Trời thì rét cắt da, cắt thịt, ‘em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối, chân em đỏ ửng lên rồi tím bầm lại vì rét’. Lạnh. Đói. cả nỗi sợ hãi nữa. Suốt một ngày ròng rã, em đã không bán được bao diêm nào. Hình ảnh người cha vũ phu và những trận đòn khủng khiếp đang chờ đợi ở nhà khiến cho cô bé không dám về. Đối lập với hình ảnh ấy là cảnh mọi người được sum vầy, vui vẻ trong những căn nhà ấm cúng bên lò sưởi, cảnh ngộ của cô bé trở nên đau đớn hơn vì đó lại là đêm giao thừa - khi mà tất cả niềm vui và hạnh phúc đang tràn ngập khắp mọi nơi. ‘Em ngồi nép trong một góc tường giữa hai ngôi nhà’, thu đôi chân vào người và cảm thấy ‘mỗi lúc càng rét mướt hơn’. Trái lại, ‘Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay’. Chỉ một mình em trên phố vắng, ‘khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em’.

Trên nền hiện thực ấy, tác giả đã giả đã để cho cô bé bán diêm xây mộng tưởng. Và kì lạ biết bao khi mộng tưởng ấy lại hiện lên chính ở nơi đây, trong đêm giao thừa giá rét. Nép mình trong một góc tường tối tăm lạnh lẽo, cô bé quẹt diêm để sưởi. Và theo ánh sáng của những que diêm cháy lên, bao mộng tưởng đẹp đẽ liên tiếp hiện ra trước mắt cô bé.

Que diêm thứ nhất bật sáng rực như than hồng. Cô bé như nhìn thấy lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong thoáng chốc, que diêm vụt tắt và thực tại nghiệt ngã phũ phàng đã trở lại. Không có lò sưởi. Chỉ có tuyết rơi lạnh lẽo.

Que diêm thứ hai bùng cháy, cô bé mơ được sống trong mái nhà êm ấm có ‘tấm rèm bằng vải màu’, ‘một mâm cỗ sang trọng’, ‘khăn trải bàn trắng tinh, có bát đĩa bằng sứ và ngỗng quay’. Giữa lúc ‘bụng đói cật rét’, cô bé đã mường tượng ra cảnh ‘ngỗng nhảy ra khỏi đĩa và mang theo cả dao ăn, phuốc sét cắm trên lưng tiến về phía em’. Nhưng rồi ánh sáng ngọn lửa cũng dần vụt tắt, mang theo cả ước mơ của cô bé. Không có mâm cỗ. Cũng không có ngỗng quay. Chỉ có cơn đói đang hành hạ em.

Que diêm thứ ba được bật lên đúng vào thời khắc giao thừa, mọi người trong các ngôi nhà tràn ngập ánh đèn đang chúc tụng nhau bước sang năm mới vui vẻ, hạnh phúc. Trước mắt cô bé chợt hiện lên một cây thông Noen được ‘trang trí lộng lẫy’ với ‘hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi’. Khi cô bé tội nghiệp với tay về phía cây thông Noen thì que diêm vụt tắt. Những ngọn nến bay cao lên mãi rồi ‘biến thành những ngôi sao trên trời’. Tất cả chỉ là ảo ảnh.

Que diêm thứ tư bùng cháy, ánh lửa xanh toả ra. Trong vầng sáng tuyệt vời ấy là hình ảnh của người bà hiền hậu đã khuất. Với cô bé tội nghiệp, gặp bà trong mơ là một hạnh phúc vô cùng to lớn, thiêng liêng. Em không thể để bà biến mất nhanh chóng như lò sưởi, ngỗng quay và cây thông Noen được. Những que diêm cứ thế nối nhau loé sáng trong âm thanh cầu nguyện tha thiết của em: ‘Cháu van bà, bà xin Thượng đế chí nhân, cho cháu về với bà ‘. Và điều kì diệu đã đến với cô bé: ‘Bà đã cầm tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe doạ họ nữa. Họ đã về chầu Thượng đế’.

‘Được về với bà ‘, với người mà em yêu thương nhất là nguyện vọng cuối cùng của cô bé bán diêm. Khi que diêm cuối cùng vụt tắt cũng là lúc giấc mơ của cô bé biến thành sự thực. Người đọc không khỏi chạnh lòng xót xa trước cảnh đầu năm mới, những người chơi xuân nhìn thấy một bé gái nằm chết bên một góc tường, giữa những que diêm cháy dở mà trên gương mặt thơ ngây lại ngời sáng niềm hạnh phúc. Phải chăng với em, cách duy nhất để thoát khỏi mọi buồn đau, cơ cực trong cõi đời này chính là được theo bà về với Thượng đế chí nhân? Và phải chăng ánh lửa diêm dù mong manh, yếu ớt cũng đã sưởi ấm phần nào tâm hồn non nớt của em, để em từ giã cõi đời này một cách nhẹ nhàng, thanh thản đến vậy?

Đã hơn một thế kỉ trôi qua kể từ ngày An-đéc-xen viết truyện Cô bé bán diêm, nhưng người đọc trên khắp hành tinh này, nhất là những bạn nhỏ, hình như vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây lời nguyện cầu tha thiết của cô bé tội nghiệp: ‘Xin bà đừng bỏ cháu ở nơi đây... Cháu van bà, bà xin Thượng đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu’. Cũng như Tiên, Phật, Bụt trong truyện cổ tích Việt Nam, ‘Thượng đế chí nhân’ trong truyện cổ An- đéc-xen là biểu tượng cho một niềm tin hướng tới sự thánh thiện vô cùng cao cả, thiêng liêng, tốt đẹp. ước mơ của cô bé trong câu chuyện là muốn được mãi mãi sống bên bà trong tình yêu thương, muốn thoát khỏi hiện tượng đói rét, khổ đau và nghiệt ngã. Thực tế thì cô bé đã chết đói, chết rét trong đêm giao thừa giữa khu phố với những ngôi nhà tràn ngập ánh sáng và sực nức mùi ngỗng quay, nhưng dưới ngòi bút lãng mạn, chan chứa tình cảm yêu thương, trìu mến của nhà văn An-đéc-xen, người đọc vẫn có cảm giác rằng cô bé tội nghiệp ấy không chết. Em đang được đi vào thế giới khác, hạnh phúc hơn và sung sướng hơn.

Trân trọng ước mơ của cô bé biết bao nhiêu, chúng ta lại càng đau đớn trước cái chết thương tâm của em bấy nhiêu. Và chúng ta phải cảm ơn nhà văn An-đéc-xen đã miêu tả cái chết của cô bé với một tấm lòng cảm thông sâu sắc. Có lẽ vì thế mà cái chết của cô bé không hề bi lụy. Ánh sáng huy hoàng của những giấc mơ hiện về mỗi khi một que diêm được bật lên đã trở thành vầng hào quang toả quanh cô bé tội nghiệp nong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, xua đi mọi giá băng, lạnh lẽo, giúp em quên hết mọi đau buồn. Nhìn dấu vết của rất nhiều que diêm cháy dở, những con người giàu có và sang trọng trong khu phố kia bảo nhau ‘chắc nó sưởi cho ấm’ vì họ làm sao biết được những điều kì diệu mà cô bé đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm. Chỉ có nhà văn An-đéc-xen thấu rõ và trân trọng bởi tấm lòng của ông đã thuộc về những con người nghèo khổ, bất hạnh trong cuộc đời.

Đến với truyện Cô bé bán diêm, người đọc chúng ta có thể cảm nhận được một cách sâu sắc ý nghĩa của hình tượng những ngọn lửa diêm. Đó là ngọn lửa của ước mơ tuổi thơ về một mái ấm gia đình, về ấm no hạnh phúc, được ăn ngon mặc đẹp, được vui chơi và sống trong tình yêu thương của mọi người. Đây chính là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

Có thể nói rằng, truyện Cô bé bán diêm là một câu chuyện đặc sắc. Truyện chỉ có một nhân vật, diễn ra cũng chỉ trong khoảnh khắc của những giờ phút đón giao thừa, vậy mà khiến cho người đọc phải lưu giữ trong lòng mình những cảm giác day dứt, xót xa. Và hình ảnh cô bé bán diêm với lời cầu nguyện mong muốn được thoát khỏi cuộc đời nghiệt ngã để theo bà ‘về với Thượng đế chí nhân’ càng nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương trẻ thơ, hãy cho trẻ thơ một cuộc sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trong tình cảm nâng niu, trân trọng của cả cộng đồng. Nhà văn An-đéc-xen ơi! Bức thông điệp mà ông gửi gắm trong những câu chuyện cổ ấy đã và đang trở thành hiện thực, và cuộc sống bình yên, hạnh phúc đang mỉm cười với rất nhiều, rất nhiều những cô bé bán diêm.