LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Nghị luận
  • Bình luận câu tục ngữ: “trăm hay không bằng tay quen”

Bình luận câu tục ngữ: “trăm hay không bằng tay quen”

Từ thực tiễn lao động sản xuất của nền kinh tế gần chín mươi phần trăm là nông nghiệp lạc hậu, cha ông ta coi trọng những kinh nghiệm được đúc kết từ đời này qua đời khác. Vì thế, câu tục ngữ “trăm hay không bằng tay quen”đã phần nào phản ánh nhận thức của người xưa về lí thuyết và thực hành trong lao động sản xuất.

Người xưa cho rằng trăm hay là sự hiểu biết về lí thuyêt, tay quen là kĩ năng thực hành, nghĩa là người làm công việc nào đó trở nên thuần thục điêu luyện, đạt được hiệu quả nhất định. So sánh giữa “trăm hay” không bằng “tay quen”, chẳng qua người xưa muốn đề cao, chú trọng người trực tiếp làm ra sản phẩm, coi nhẹ người chỉ hiểu biết lí thuyết.

Thực ra, nếu nhìn vào thao tác của người lao động và sô sản phẩm anh ta tạo ra thì ý nghĩa câu tục ngữ trên là đúng. Vì trong lao động sản xuất, có người được tiếp thu nhiều nguồn tri thức, hiểu rộng, biết nhiều nhưng khi làm (thực hành) lại tỏ ra lúng túng, thao tác chậm chạp, hiệu quả thấp, thậm chí thất bại... Từ thực tế đó mà người xưa cho rằng: tay quen hơn hẳn trăm hay.

Tay quen là sự thuần thục trong lao động sản xuất, phần lớn người lao động trưởng thành từ thực tế, họ không được học hành qua các trường lớp nào, việc làm được lặp đi lặp lại, mùa này qua mùa khác nên thuần thục, giỏi giang, có kinh nghiệm để vận dụng vào thực tê lao động sản xuất.

Câu tục ngữ đúng khi vận dụng vào nền sản xuất nhỏ, chủ yêu là tiểu nông chậm phát triển, lao động sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cùng sự may rủi của thiên nhiên.

Nếu vận dụng ý nghĩa câu tục ngữ vào thực tế công cuộc lao động sản xuất ngày nay thì có mặt chưa đúng, chưa hài hòa. Thực ra lí thuyết và thực hành có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ cho nhau. Lí thuyết giúp cho thực hành hiệu quả cao, tạo cho thực hành có kĩ năng, kĩ xảo hơn, tránh được những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Rút ngắn được thời gian mà hiệu quả vẫn cao.

Trong thời đại khoa học ngày nay, tri thức rất quan trọng. Tri thức tạo ra lí thuyết, tri thức vận dụng vào thực hành. Lí thuyết và thực hành cùng chung một nhiệm vụ là thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, góp phần xây dựng đất nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bác hồ dạy chúng ta: “học đi đôi với hành”. Do đó, ta không thể coi “trăm hay” thua “tay quen” được, mà tay quen và trăm hay có mối quan hệ mật thiết, khăng khít, hỗ trợ cho nhau. Vì học mà không hành thì học vô ích. Nếu chú trọng hành mà không học, không nắm vững khoa học kĩ thuật thì hành cũng gặp trở ngại, năng suất thấp.

Học đi đôi với hành là phương châm đúng đắn với mọi ngành, mọi nghề, đã và đang vận dụng có hiệu quả trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước, trong việc đưa khoa học kĩ thuật vào lao động sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất, tinh thần, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống con người, xây dựng xă hội văn minh, giàu đẹp.