399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Bài làm
Tôi về Bắc thăm quê nội trong dịp nghỉ hè. Cha tôi hứa trên đường đi cho tôi thăm cảnh Trường Sơn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy dãy Trường Sơn chạy dài đến ngút tầm mắt.
Chiều bắt đầu xuống. Chân trời phía tây vàng rực. Xa xa, Trường Sơn xanh thẫm được nâng lên giữa nền trời đỏ lừ. Một đoạn Trường Sơn như bức tranh dát vàng uy nghi, hùng tráng.
Ôi, Trường Sơn đấy ư? Bấy lâu tôi ước sao tận mắt thấy hình bóng dãy núi chạy dọc miền Trung đất nước. Nơi ấy còn in dấu chân của cha tôi cùng đồng đội gian nan vượt núi đèo ra trận... Biết bao nhiêu người nằm lại nơi đấy ư?
Nắng tắt! Trường Sơn sẫm đen lại, đi vào giấc ngủ. Khối núi này mang hình dáng một lăng tẩm khổng lồ, thâm nghiêm. Trong lăng ấy yên nghỉ hàng vạn hồn liệt sĩ - những chàng trai rất trẻ, những cô gái đôi mươi đi cứu nước.
Lòng tôi lắng lại. Nơi đây đi vào lịch sử viết bằng máu, nước mắt .khi tôi chưa ra đời.
Ngày hôm sau, xe tiếp tục chạy dọc Trường Sơn. Sáng sớm mây mù che phủ đỉnh núi. uể oải mãi, Trường Sơn mới vươn vai đứng dậy, nhấp nhô, dằng dặc, chạy loang loáng theo xe chúng tôi. Mấy tiếng sau, màu xanh đậm của dãy núi cứ nhạt dần, có chỗ nhìn thấy màu xanh thật của lá. Từng ngọn núi sát vai, cao thấp tiến về phía chúng tôi. Những ngọn cây ngả nghiêng lưng núi.
Dừng lại một làng nhỏ dưới chân núi. Tôi ngước mắt nhìn lên. Cây cao bóng cả trùm mát rượi. Lúc này tôi mới hình dung nổi rừng già Trường Sơn rậm rạp, vách núi Trường Sơn cheo leo mà cha tôi kế ngày nào. Dưới lũng sâu rất nhiều chuối rừng, ẩn hiện hoa đỏ chót bên lạch nước trong veo. Không thể tìm lối vào vì dây leo chằng chịt. Phóng tầm mắt xa hơn, lác đác vài nóc nhà quanh thung lũng. Cha tôi bảo đó là nhà của đồng bào dân tộc ít người. Ngày xưa, vượt Trường Sơn, gặp được những bản này, quý lắm.
Chiều xuống rất nhanh. Cơn dông ập đến đen kịt. Cây rừng tầng tầng lớp lớp nghiêng ngả, ào ào trút lá.
Khuya lắm. Tôi nói với cha:
- Cha ơi, mai cha cho con đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, cha nhé!