399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
DÀN BÀI
I. Mở bài
Giới thiệu về loài cây em yêu:
- Đó là cây gì? (Cây bưởi, cây xoài, cây tre, cây dừa, cây gạo,...)
- Loài cây ấy được trồng ở đâu? (ơ miền Bắc, ở vùng rừng núi, ở miền Nam, trong vườn nhà, trong sân trường,...). Nhà em có trồng loại cây ấy không?
II. Thân bài
* Nếu gia đình em có trồng loài cây ấy, nguồn gốc của cây là từ đâu? (Ông nội trồng kỉ niệm ngày em ra đời, bố đi công tác mang cây về trồng,...).
* Miêu tả cây và từ sự miêu tả ấy phát biểu cảm nghĩ:
- Hình dáng của cây như thế nào? Em thích thú với dáng vẻ đó ra sao? (Các loài cây ăn quả thường xum xuê tươi tốt, dưới tán câythường là nơi vui' chơi lí tưởng của trẻ con; những loài hoa thường mảnh mai, duyên dáng đáng yêu,...)
- Tình cảm, niềm thích thú say mê của em đôi với các đặc điểm của cây như lá, hoa,... (chú ý sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa để biểu cảm gián tiếp):
+Các loài cây như đa, bưởi, xoài,...; Tán lá rộng như một bầu trời tí hon, hoa tỏa hương thơm dịu mát, quả lấp ló trong vòm lá như chơi trốn tìm,...
+Các loài hoa: Thân mảnh mai như người thiếu nữ, hoa mang những ý nghĩa tốt đẹp (nêu ý nghĩa của loài hoa: hoa đào, hoa mai báo hiệu mùa xuân sang; hoa hướng dương thể hiện sự kiên định, giàu ý chí,...).
- Kể và tả lại vài nét nổi bật trong quá trình sinh trưởng của cây.
Mỗi loài cây có giai đoạn phát triển với những đặc điểm riêng.
Hãy chú ý khai thác những đặc điểm riêng đó. Chẳng hạn, với cây gạo là khi cây đâm chồi nảy lộc, những chồi cây như hàng chục ngọn nến lung linh; với cây bưởi là khi cây nở hoa, hương hoa bưởi ngan ngát nồng nàn...; với những loài hoa là khi những nụ hoa he hé gợi nhiều niềm mong đợi hay khi hoa đã mãn khai rực rỡ,...
*Hồi tưởng một kỉ niệm sâu sắc của bản thân với loài cây và qua đó bày tỏ cảm xúc.
Một loài cây khiến ta yêu quý nhiều khi không chỉ bởi vẻ đẹp của loài cây mà còn bởi những kỉ niệm đã có giữa ta và loài cây ấy. Nên kể về một vài kỉ niệm như vậy để bài viết trở nên sâu sắc hơn. Chẳng hạn, loài cây ấy gắn với kỉ niệm về một người bạn thuở ấu thơ, hai người thường chơi đùa dưới gốc cây; loài cây ấy gắn với tình yêu thương của người thân: bà thường lựa trái ngon nhất là phần cháu, mẹ thường nấu lá bưởi để gội đầu cho con,...
III. Kết bài
Nhắc đến ý nghĩa tốt đẹp của loài cây trong đời sống của gia đình, của quê hương và khẳng định lại tình cảm yêu quý của em với loài cây.
Chẳng hạn, cây gạo / cây đa là biểu tượng cho làng quê thanh bình, yên ả của em, đó là niềm tự hào chung của mỗi người dân trong làng và của em; cây hoa đào / hoa mai là biểu tượng cho mùa xuân, hạnh phúc, may mắn trong tiềm thức của người dân miền Bắc / miền Nam, em càng yêu cây hơn khi nghĩ đến niềm vui của người thân khi cầm trên tay một cành hoa ấy,...
BÀI LÀM
Mỗi mùa xuân sang, em lại thấy lòng mình trào lên một niềm xúc động kì lạ, đặc biệt là khi đứng ngắm nhìn cây bưởi trước nhà trổ hoa. Em yêu quý cây bưởi nhiều hơn cả so với những cây khác trong vườn.
Em dành tình cảm cho cây bưởi bởi nó gắn với những kỉ niệm về ông nội. Bố em kể rằng, ngày em chào đời, ông đã vui mừng trồng cây bưởi trước sân với mong ước cháu gái lớn lên sẽ thanh khiết, dịu dàng như hương hoa bưởi. Những buổi chiều gió mát, ông lại bế em đến ngồi gốc cây hóng gió... Giờ đây, ông không còn nữa, cây bưởi vẫn xanh tươi như tình cảm ông dành cho em vẫn ấm áp như ngày nào.
Cùng tuổi với em nhưng cây bưởi đã cao lắm, tán cây vượt hẳn mái ngói ngôi nhà của em. Bồi hồi đứng dưới vòm lá xanh tươi, ngước nhìn lên, phía trên, em thấy ánh sáng được lọc qua tán lá trở thành một thứ màu xanh trong như ngọc. Chợt, “chiếc ô ngọc bích” khẽ rung mình lao xao, những tia nắng lọt qua khe lá nhảy nhót dưới mặt đất. Chao ôi! Thơm quá! Em ngỡ ngàng trong hương hoa dịu dàng thanh khiết, nhìn những bông hoa rụng theo gió bay. Ông ơi! Có phải ngày cháu ra đời, ông đã ước cháu sẽ đẹp dịu dàng như hoa bưởi? Em bồi hồi cúi nhặt bông hoa rơi. Hoa bưởi có năm cánh màu trắng muốt - màu trắng của chiếc áo nữ sinh em thường mặc khi đến lớp. Nhị hoa vàng tươi lấm tấm những hạt phấn nhỏ li ti. Em khẽ áp bông hoa lên mũi, một mùi hương nồng nàn dâng lên, những hạt phấn vàng li ti cũng dính nhẹ lên mũi em thật ngộ. Chỉ một lát nữa, mẹ sẽ nhắc em nhặt những bông hoa bưởi rụng để thả vào nước gội đầu: bao nhiêu năm nay mẹ con em gội đầu bằng nước nấu từ vỏ bưởi, lá bưởi và thả những bông hoa xinh đẹp vào nước để làm mềm mượt mái tóc đen dài...
Từng cánh hoa bưởi rụng xuống khiến em nghĩ đến một ngày kia những quả bưởi non sẽ lần lượt xuất hiện. Chúng nho nhỏ, xinh xinh, ban đầu bé xíu rồi lớn dần bằng nắm tay em bé, rồi như vốc tay người lớn. Cậy bưởi này thường đậu quả rất sai. Những trái bưởi non đông đúc treo mình trên cây như đám trẻ con nghịch ngợm. Nhất là khi có gió, chúng thoắt ẩn thoắt hiện sau tán lá như chơi trò trốn tìm với nhau. Nếu lỡ có trái bưởi non nào rụng, em sẽ chẳng để chú phải buồn vì xa lìa anh chị em. Chú bưởi non ấy lập tức thành quả chuyền vừa ý trong trò chơi đánh chắt thú vị. Nếu bưởi rụng lúc đã khá to thì đã có cậu hàng xóm sẵn lòng lấy làm bóng đá với bạn bè. Em nghĩ: đâu chỉ có trái bưởi là ngon và bổ mà cả hoa bưởi và trái bưởi non cũng trở thành vật có ích cho người.
Cây bưởi nhà em rất sai quả nên khi bưởi già, mẹ em thường hái đem biếu họ hàng, hàng xóm để mọi người cùng thưởng thức. Nhìn những múi bưởi, tép bưởi căng mọng đã thấy ngọt mát tấm lòng. Có điều thật lạ, đã mười mấy năm rồi mà quả vẫn ngọt mát, không hề chua như nhiều cây bưởi khác. Các cô bác hàng xóm khen mẹ em khéo chăm cây nhưng mẹ bảo đó là lộc ông nội để lại cho con cháu. Em cầm trái bưởi vàng ươm trên tay mà lòng bồi hồi, xúc động.
Cây bưởi đã gắn bó với em bởi nhiều kỉ niệm và tình cảm thiêng liêng như thê. Em yêu quý loài cây ấy vì tất cả những gì em cảm nhận được từ ý nghĩa, vẻ đẹp kì lạ của cây.