399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Bài làm
Tiếng ồn ào vọng ra từ trong chợ, em đưa mắt nhìn quanh. Góc chợ nơi em đứng người ta bán khá nhiều mặt hàng. Trên những sạp xi măng được xây cao ngang hông em, đèn điện sáng choang, vải vóc đủ loại được trưng bày rất đẹp. Nhìn lượng hàng hóa bày trên sạp là em đã thấy ngộp, thế mà cô bán hàng lại ngồi lọt thỏm vào gian hàng đầy vải, miệng luôn tươi cười mời chào khách. Chỉ cần một người khách dừng lại, chỉ trỏ vào khúc hàng nào là cô rút ra ngay, xổ tung cho khách xem... Cạnh đó là những hàng bán quần áo trẻ em, phía ngoài là những hàng bán trái cây. Những cây dù đủ màu sắc được giương lên, phía dưới là sọt trái cây, nào cam, quýt, táo... được bày lên trông thật ngon lành. Dọc theo ngã rẽ vào trong chợ, một số người bán hàng rong, tay cắp thúng hoặc bê những cái cần xé bán nào là chanh ớt, rồi khăn áo thun... Vào trong một chút, em thấy những sạp bán thịt. Dưới ánh đèn những mảng thịt heo, thịt bò treo lủng lẳng, tươi rói. Qua khung cửa lưới, người ta mua bán nhộn nhịp. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng rao hàng, tiếng chào mòi vang lên tạo thành một âm thanh hỗn độn.
Một bà đi chợ, ghé lại sạp bán quần áo trẻ em gần chỗ em đứng để lựa hàng. Đứa bé con bà cứ nhón chân lên để nhìn cho rõ mấy bộ quần áo để trên sạp. Bà mẹ cầm lấy một bộ, ngắm nghía rồi ướm lên mình con. Đứa bé đẩy ra, hét lên: “Con không thích cái này, mẹ lấy bộ có con gấu cơ”. Cô bán hàng lấy một cây sào, móc bộ quần áo theo tay em bé chỉ xuống. Nó vui mừng nhảy cẫng lên, chụp lấy bộ quần áo, ướm ngay lên người. Bà mẹ kì kèo trả giá, mãi một lúc họ mới thỏa thuận. Trả tiền xong, bà quay ra dẫn con về, miệng còn lầu bầu: “Bán hàng gì mà nói thách dữ quá không khéo mình mua hớ cũng nên”. Mấy gian hàng bên cạnh xem ra có vẻ ế ẩm. Bà bán hàng ngồi lim dim ngủ gà ngủ gật, một cô khác ngồi than thở với bạn hàng: “Sao mà ế ẩm quá không biết. Gần Tết rồi mà buôn bán khó quá”, một chị ở hàng bên thì ngồi say sưa đọc báo, thỉnh thoảng liếc chừng xem có khách hàng nào tới khung. Mấy chú bé bán chanh ớt, kim chỉ, cắp cái mẹt cứ chạy tới chạy tới chạy lui, rao mời khản cả tiếng. Nhìn các bạn ấy bằng tuổi em mà phải kiếm sống, em cảm thấy tội nghiệp các bạn ấy vô cùng. Bỗng có tiếng ồn ào, tiếng chân người chạy thình thịch, tiếng kéo thúng, kéo dù rèn rẹt. Những hàng trái cây phút chốc đã sát vào lề đường. Một bà bán hàng rong chưa kịp dọn hàng đã bị chú công an tịch thu. Bà lẽo đẽo đi theo sau chú năn nỉ, nét mặt nhăn nhó ra chiều khổ sở lắm. Chú công an làm mặt nghiêm, đi một đỗi rồi lấy cái mẹt trái cây trên xe “dip” (jeep) trả lại cho bà khống quên lời răn đe. Vậy mà khi các chú công an lên xe đi rồi thì đâu lại vào đấy. Các hàng lại bày ra chiếm hết nửa lòng lề đường. Tiếng rao mời vang lên đon đả. Mải ngắm người ta buôn bán mà mẹ đến lúc nào em cũng không hay. Cái túi xốp nho nhỏ đã đầy thức ăn trên tay mẹ, mặt mẹ đã đỏ bừng, trán lấm tấm mồ hôi. Em cùng mẹ ra về, bỏ lại sau lưng cái không khí ồn ào, náo nhiệt. Quả là một cái chợ!
Chợ là nơi cung cấp, trao đổi hàng hóa, thực phẩm. Chợ cũng là một phần của gương mặt thành phố. Nhà nước ta đã xây dựng lại cái chợ cho khang trang, đẹp đẽ, tạo vẻ mĩ quan cho thành phố. Bây giờ chỉ còn việc buôn bán sao cho lịch sự, đàng hoàng. Em mong muốn những người buôn bán ởchợ luôn thực hiện nếp sống văn minh, trật tự và thật thà.