LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Phân tích
  • Phân tích câu nói hay của Bác Hồ về vấn đề học và hành

Phân tích câu nói hay của Bác Hồ về vấn đề học và hành

Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: Học để hành, học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Em hãy bình luận câu nói đó.

DÀN BÀI

1.            Mở bài

-             Sự tương quan chặt chẽ giữa học và hành là vấn đề được nhiều người quan tâm.

-             Học và hành có tầm quan trọng ngang nhau. Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: Học để hành...

NHỮNG BÀI VĂN MẪU 10/2

2.              Thân bài

a.              Giải thích

Thế nào là học và hành? Tại sao học với hành phải đi đôi?

-              Học: là tiếp thu tri thức của nhân loại thông qua hoạt động học tập ở nhà trường hoặc qua sách vở.

-                Hành: là vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế đời sống.

-                Tại sao học với hành phải đi đôi? Vì:

+Học mà không hành thì học vô ích, chỉ biết lí thuyết suông.

+Hành mà không học thì hành không đạt kết quả tốt vì thiếu cơ sở lí thuyết.

b.              Bình luận

Khẳng định ý kiến trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn và có ý nghĩa sâu sắc.

+Học mà không hành thì học vô ích

-               Mục đích của việc học là để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, nhằm phục vụ công việc hiệu quả cao hơn, tốt hơn (Học để hành).

-               Vì vậy, học mà không hành (chỉ nắm lí thuyết mà không vận dụng lí thuyết đó vào thực tế) thì việc học trở thành vô ích, vì mất thời gian, tiền của, công sức mà không mang lại lợi ích thiết thực, cụ thể nàọ.

+Hành mà không học thì hành không trôi chảy

-               Nếu chỉ làm việc (hành) theo thói quen và kinh nghiệm, không có lí thuyết (học) soi sáng thì công việc sẽ tiến triển chậm chạp, hiệu quả thấp. Đối với những công việc đòi hỏi phải có những hiểu biết về khoa học kĩ thuật mới thực hiện được thì nhất thiết phải học và học không ngừng.

-               Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng như hiện nay, nếu không học, ta sẽ không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

-               Quan niệm nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quan niệm rất khoa học dựa trên cơ sở thực tiễn. Giữa học và hành có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Học đóng vai trò chỉ đạo, soi sáng cho hành, hướng dẫn thực hành, rút ngắn thời gian mò mẫm, thử nghiệm, nâng cao chất lượng công việc. Hành giúp cho việc vận dụng, củng cố, bổ sung và hoàn chỉnh lí thuyết đã học.

3.            Kết bài

-             Học với hành phải đi đôi, ta không nên coi nhẹ mặt nào. Có như vậy thì hiệu quả học tập và lao động sản xuất mới được nâng cao.

—        Ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong học tập và trong đời sống của mỗi người.

BÀI LÀM

Từ xưa tới nay, mối tương quan giữa học và hành vẫn được nhiều người quan tâm, bàn luận. Học quan trọng hơn hành hay hành quan trọng hơn học? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp một ý kiến xác đáng về vấn đề này: Học để hành, học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy.

Ý kiến trên đây của Bác là sự đúc kết kinh nghiệm sau bao năm bôn ba học hỏi khắp năm châu, tiếp xúc với nhiều nền văn minh trên thế giới. Bởi vậy quan niệm này có cơ sở khoa học và thực tế rất vững chắc.

Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu xem học là gì? hành là gì?

Học là hoạt động tiếp thu những tri thức của nhân loại. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của các thầy cô, học ở bạn bè, tự học qua sách vở và thực tế đời sống. Học để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết về nhiều mặt để có thể làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình, góp phần hữu ích vào việc xây dựng sự nghiệp riêng và sự nghiệp chung. Còn hành là quá trình vận dụng những kiến thức đã học được vào thực tế công việc hằng ngày. Ví dụ như người thầy thuốc đem những hiểu biết tiếp thu được trong suốt quá trình đào tạo sáu, bảy năm trời ở trường đại học để vận dụng vào .việc chữa bệnh cho nhân dân. Những kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng thiết kế và thi công bao công trình như nhà máy, bệnh viện, trường học, công viên... phục vụ con người. Anh công nhân trong xưởng máy vận dụng lí thuyết để cải tiến kĩ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chị nông dân áp dụng khoa học kĩ thuật vào đồng ruộng để có được những vụ mùa bội thu... Đó là hành.

Bác Hồ khẳng định: Học để hành, có nghĩa là học để làm cho tốt. Thực tế cho thấy có học có hơn. Ông cha chúng ta ngày xưa đã nói: Bất học, bất tri lí. (Không học thì không biết đâu là phải). Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho quá trình làm việc đạt hiệu quả cao hơn, tốt hơn. Nếu được học lí thuyết dù cao siêu đến đâu mà không đem ra vận dụng thì việc học ấy chỉ tốn thời gian vô ích. Bao công sức, tiền bạc bỏ ra mà kết quả chẳng có gì đáng kể.

Ngược lại, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Nếu ta chỉ làm việc theo thói quen, theo kinh nghiệm mà không có lí thuyết soi sáng thì công việc sẽ tiến triển chậm chạp và chất lượng không cao. Cách làm việc như trên chỉ thích hợp với các công việc thủ công đơn giản, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp có liên quan đến khoa học kĩ thuật như hiện nay thì cung cách ấy đã quá lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong công việc, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng bằng mọi cách. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của thời đại.

Quan niệm về học và hành của Hồ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn giữ nguyên tính khoa học và thực tiễn của nó. Khoa học kỹ thuật phát triển với tốc độ nhanh thì tri thức của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới thực hành được những công việc phức tạp. Lí thuyết đúng đắn có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho thực hành. Con người sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian mò mẫm, tìm hiểu thực tiễn và tránh được những sai lầm đáng tiếc. Lí thuyết gắn với thực hành sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao hơn.

Do đó, chúng ta không thể coi nhẹ vai trò to lớn của việc học mà phải nhìn nhận, đánh giá đúng mức mối liên quan giữa học với hành. Học và hành phải đi đôi, có tác động hai chiều với nhau. Học hướng dẫn hành, hành bổ sung, nâng cao và làm cho việc học thêm hoàn thiện. Có học mà không có hành thì chỉ là mớ lí thuyết suông. Trái lại, chỉ chú trọng thực hành mà không chịu học hỏi thì làm việc gi cũng khó khăn. Học và hành là hai mặt của một quá trình, không thể xem nhẹ mặt này hay mặt khác.

Thực tế cho thấy trong tất cả các cấp học ngày nay, phương châm học đi đôi với hành là hoàn toàn đúng. Đồng thời, những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở, cuộc đời phải được áp dụng vào thực tiễn để sáng tạo ra những thành quả vật chất, tinh thần, phù hợp vời đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống.

Quan niệm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định phương châm giáo dục đúng đắn của xã hội ta; đồng thời là kim chỉ nam trong học tập và trong đời sống của mỗi con người.