LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Phân tích
  • Phân tích bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu

Phân tích bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu

Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu để làm nổi bật tính nhân văn của bài thơ, về ý nghĩa của cuộc sống?

Bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu đã nói lên được ý nghĩa của cuộc sống, một cuộc sống có ý nghĩa, phải giúp ích được cho đời dù nhỏ bé.

Tất cả vạn vật trong thế giới đều có một cuộc sống, ta phải sống như thế nào để không uổng phí, một cuộc sống có ích?

Dưới đây là những bài văn hay phân tích bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu để các em tham khảo:

Bài 1. Bài văn của em Lê Thị Hiểu Nhi đã phân tích bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu:

Được sinh ra trong đời sống, được cảm nhận tình yêu bao la từ cha mẹ, được thừa hưởng những giá trị mà tạo hoá ban tặng. Đó là diễm phúc của một con người bình thường. Quan trọng như không khí ta thở hằng ngày, thiêng liêng như tình mẫu tử, tình phụ tử ta có trong từng giây phút, mỗi món quà mà ta nhận được từ tạo hoá khi xuất hiện trên thế gian này đều gắn liền với một bổn phận, một trách nhiệm. Ý thức được điều này, trong bài “Một khúc ca xuân” nhà thơ Tố Hữu có viết:

“Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"

Bài thơ không chỉ dừng lại ở một cách sống mà cao cả hơn nó còn mở ra một quan niệm nhân sinh tích cực, hay đúng hơn là một lí tưởng sống cần có của mỗi người trong xã hội.

Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Nhà thơ Tố Hữu mượn hai thực thể chiếc lá và tiếng chim để minh hoạ cho quan niệm của mình. Tạo hoá đã tạo ra loài chim và ban cho chúng giọng hót tuyệt vời thì cũng có nghĩa rằng đã là chim thì phải hót và tương tự như vậy, chiếc lá non thì phải xanh. Chắc hẳn ai đã từng đọc tác phẩm nổi tiếng “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” đều không thể quên hình ảnh chú chim đã dùng hết sức mình để lao vào bụi mận gai, chú chim đã bị một cây gai xuyên vào lồng ngưc nhưng chú vần cất lên tiếng hót cuối cùng – tiếng hót mà đến cả hoạ mi, sơn ca cũng phải ghen tị, tiêiig hót mà cả Thượng đế trên cao nghe cũng phải mỉm cười. Và như thế đủ cho ta thấy rằng hạnh phúc nhất, sung sướng nhất chính là giây phút được cống hiến cho đời. Còn chiếc lá kia sẽ là gì hôm nay nếu thiên nhiên không ban cho nguồn dưỡng khí để hô hấp và quang hợp. Sẽ là gì bây giờ nếu con người nhẫn tâm ngắt bỏ nó đi. Và như vậy, một khi đã được tồn tại trên cõi đời này thì lá phải có nhiệm vụ đem màu xanh tràn đầy nhựa sống ấy tô điếm cho bầu trời, cảnh vật hay đem lại bóng râm, dưỡng khí cho muôn loài.

Phân tích bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu

Phân tích bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu

 

Vậy, là con người – là kẻ đứng đầu của muôn loài, là loài động vật cao cấp nhất có tư duy, suy nghĩ, chúng ta đă làm gì để cống hiến cho xã hội?

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình

Được tạo nên từ tình yêu thương vô bờ bến của cha và mẹ, được lớn lên, được bao bọc giữa vòng tay nhân ái của cộng đồng, rộng hơn được hít thở nguồn dường khí hằng ngày, được sống trong một đất nước hoà bình – đó là gì nếu không phải là vay mượn từ cuộc sống, từ xã hội?

Ngày nay, được học tập, được sinh hoạt giữa đất trời bình yên là gì nếu không phải mang trong mình một niềm tri ân với những thế hệ đi trước đã đánh đổi cả mùa xuân của tuổi trẻ và thậm chí là xương máu, là nước mắt để có được một cuộc sống độc lập tự do như ngày nay. Vì vậy, đã là Người hẳn mang trong mình những trách nhiệm thiêng liêng. Đơn giản như phải học tập thật tốt để trả ơn cho cha mẹ, thầy cô đã hết lòng vì mình. Cao cả hơn như cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vào sư nghiệp chung của giang sơn gấm vóc này. Đó chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ, bổn phận của mỗi con người. Hay đúng hơn nói theo Phạm Ngũ Lão: Đó là món nợ phải trả cho đời.

“Nam nhi vị liễu công danh trái
 Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”

Nhìn lại ngày xưa để ngẫm lại ngày nay. Chúng ta phải làm gì đế không hổ danh là thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên, thế hệ rường cột của nước nhà. Nhỏ nhặt như giún đỡ mọi người xung quanh, sống hết mình, sống tích cực, lớn lao hơn là đưa đất nước mình sánh vai với các cường quốc, năm châu. Để làm được điều đó hãy noi gương Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng hay giản dị hơn là sống tốt để trở thành một công dân có ích cho cộng đồng.

Nếu như ai cũng hiểu rằng: “Lẽ nào vay mà không trả; Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, thì mọi người sẽ sống đẹp biết bao, tình tương thân, tương ái sẽ thắm thiết và tươi đẹp biết nhường nào!
 

------------------------------------


Bài 2. Bài văn của em Lê Hoa Hồng đã phân tích bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu:

Tố Hữu là một nhà thơ cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng ngay từ tuổi trẻ, vì say sưa với lí tưởng cách mạng mà nhiều lần ông đã vào tù, ra khám. Đến khi lớn tuổi, ông trình bày một quan niệm sống qua mấy câu thơ như sau:

Nếu làm con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.

Chúng ta hãy thử bàn bạc những ý thơ này hầu rút ra một bài học quý về lẽ sống.

Phân tích bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu

Phân tích bài thơ Một Khúc Ca của Tố Hữu

Đoạn thơ sử dụng kiểu câu điều kiện - kết quả chứa đựng một lập luận thật sắc bén của tác giả: Nếu làm con chim, chiếc lá - Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Những hình ảnh con chim, chiếc lá tượng trưng cho các vật hết sức bé nhỏ trong thiên nhiên. Tuy bé nhỏ nhưng chúng ta đã cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho vũ trụ ấy: con chim cống hiến tiếng hót, chiếc lá cho màu xanh. Những hình ảnh ấy là tấm gương soi cho con người về cách sống:

Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem ta đã vay và cần trả những gì?

Suy cho kĩ, mỗi người chúng ta đã vay rất nhiều. Vay tiền thì trả lại bằng tiền. Nhưng có những thứ ta vay mà rất khó trả, như Nguyễn Công Trứ đã viết:

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.

                                                           (Chí làm trai)

Lúc lọt lòng, mẹ cho ta thân thể, cha cho ta một dòng máu. Nhưng có phải thân thể ta duy nhất là của cha mẹ ta cho đâu? Nếu không có tổ tiên, bao anh hùng liệt sĩ đã đổ máu xương để xây dựng và giữ gìn đất nước, bảo vệ quê hương, chắc gì ta đã có mặt trên đời này? Trong lòng mẹ, mẹ cho ta dòng sữa ngọt, cha cho manh, áo lành. Rời mẹ cha, ta ra công viên chơi đùa là đã chịu ơn của các người thợ xây dựng, trồng cây. Đến trường, ta lại chịu ơn của thầy cô. Vào bệnh viện, ta khỏi bệnh nhờ các y tá, bác sĩ... Nơi nơi trên đất nước này, bầu trời này, bao nhiêu người đã từng đổ mồ hôi, nước mắt và máu xương để mở đất, xây cầu, làm đường. Đó là tất cả những gì ta đã vay khi ta sống trong đời:

Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Như thế tác giả đã khẳng định việc vay, trả là điều tất yếu, Quan niệm sống là cho mà Tố Hữu tổng kết đã là cách sống của tiền nhân ta. Mẹ Âu Cơ cho ta một dòng máu khỏe mạnh “khôi ngô tuấn tú, sức mạnh như thần”, rồi Lạc Long Quân dạy dân trồng trọt, mưu sinh. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và bao nhiêu nghĩa sĩ Lam Sơn, đoàn quân Tây Sơn cho đến bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu giữ nước... đã hi sinh máu xương để cho chúng ta đất trời tự do, độc lập.

Do đó, nhiệm vụ trả là nhiệm vụ của chúng ta. Đây là lẽ công bằng và hợp lí. Trả không có nghĩa là chỉ trả cho người mà ta đã vay mà phải trả cho đời. Hiểu theo cách khác là ta phải biết cống hiến khả năng, sức lực của mình cho xã hội, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của đất nước, phải hiểu việc cống hiến là trách nhiệm của mỗi con người trong xã hội. Nếu ai cũng nhận thức rằng Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình, thì mọi người sẽ sống tốt đẹp biết bao, tình tương thân tương ái sẽ thắm thiết biết dường nào.

Nhưng bên cạnh những người biết sống đẹp ấy, có những kẻ sống thật ích kỉ, chỉ biết hưởng thụ mà không biết phục vụ cho đời. Họ không hiểu được rằng lợi ích cá nhân phải gắn liền với lợi ích tập thể. Trong việc xây dựng đất nước hiện nay, mọi người cần đồng lòng, hiệp sức, cùng công hiến khả năng mình cho xã hội. Những kẻ chỉ đòi hỏi hưởng thụ mà thiếu trách nhiệm đối với đời chính là cản bước tiến của xã hội. Do đó ta cần nghiêm khắc lên án lối sống cá nhân ích kỉ xấu xa này. Đồng thời ta cũng xác định cho mình một thái độ sống đúng đắn: phấn đấu rèn luyện bản thân, hiểu được ý nghĩa sống là cho đối với xã hội, với đất nước, thấy được công hiến là vinh dự, niềm vui của con người. Cho nên ngay từ lúc còn là học sinh, ta cần phải tập sống có ý thức “mình vì mọi người”, để sau này trở thành người hữu dụng, xứng đáng với bao thế hệ đi trước.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ thật đẹp, thật sâu sắc để nhắc nhở chúng ta một lẽ sống cao quý. Đó là cách sống của người thanh niên mới trong xã hội mới hôm nay.