LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Khác
  • Giải thích một bài thơ ngắn mà em thích

Giải thích một bài thơ ngắn mà em thích

Đề: Hãy giải thích ý vị một bài thơ ngắn em thích. Bài ‘Đêm thu’ của Khoa. Thơ đọc lên thật nhẹ nhàng mà làm sống dậy trong mình cái cảm giác hòa nhập cùng thiên nhiên, vũ trụ....

BÀI LÀM

Thiên nhiên thật phong phú, diệu kì, không bút nào tả hết được cái muôn màu muôn vẻ của nó. Có người thích nắng vàng ấm áp mùa xuân, có người lại ưa những làn gió lành lạnh vào dịp lễ Nô-en gợi nhớ cái lạnh đất Bắc. Còn riêng tôi, không biết từ bao giờ cái chất của mùa thu đã lắng đọng thật sâu trong mình. Yêu mùa thu, tôi yêu luôn cả những vần thơ viết về nó. Trong số đó, bài ‘Đêm thu’ của Trần Đăng Khoa viết hồi còn học cấp II đã để lại cho tâm hồn tôi những xúc động đẹp đẽ và ngọt ngào hơn cả. Các bạn hãy làm quen với bài thơ ấy nhé:

‘Thu về lành lạnh trời mây
Bỗng nhiên thức giấc nào hay mấy giờ.

Ánh trăng vừa thực vừa hư
Vườn sau gió nổi nghe nhưmưa rào’.

Cả bài chỉ có bốn câu, thật ngắn gọn, đơn sơ, nhưng cũng thật đầy phong vị đặc sắc riêng của đêm thu. Thật vậy, ngay dòng thơ đầu tiên đã cho ta cảm nhận được cái thời tiết ‘lành lạnh trời mây’ đặc trưng của mùa thu. Cái ‘lành lạnh mùa thu’ chỉ đủ ta tiện dịp được diện một chiếc áo len ít khi dùng đến hoặc choàng một chiếc khăn ‘san’ rất ‘mô-đen’ làm tôn thêm khuôn mặt. Cái lành lạnh khiến giọng nói như ngâm nga hơn, tâm hồn thêm nhạy cảm... Nhận xét này của Trần Đăng Khoa thật tinh tế, ngay vào bài đã bật lên được một trong những nét hấp dẫn nhất của mùa thu.

Cảm nhận ban đầu đã tự nhiên, dòng tiếp theo còn tự nhiên hơn nữa. Viết về mùa thu nhưng Trần Đăng Khoa không lặp lại những lá vàng, rặng liễu buông lệ hay bầu trời xanh, mà lại viết về một khoảnh khắc tình cờ ‘ Bỗng nhiên thức giấc nào hay mây giờ’. Thật là một ý thơ bất chợt, khổ ngờ: giấc ngủ tuổi thơ thường say lắm, đâu có chợt thức quãng nửa đêm như thế này! Tuy nhiên, bất chợt mà độc đáo: ở đây mùa thu đã tác động vào cảm quan chú bé một cách khác thường, hay chính tâm hồn dễ rung động của nhà thơ nhỏ tuổi đã bừng thức đón nhận lấy điệu thu ‘lành lạnh’ đầu mùa đang tỏa khắp không gian? Cầu thơ đã diễn tả được mối dây tơ gắn bó mỏng manh mơ hồ, nhưng cũng rất sâu xa kì diệu giữa con người với thiên nhiên.

Cảm nhận về cái se lạnh của đêm thu đã được diễn tả thực hồn nhiên và rất tinh tế. Mộc mạc, giản dị, nghe cứ rõ ràng như một lời nói thường, mà lại vẫn đầy khêu gợi, vẫn đúng là thơ, man mác một niềm thơ. Ý vị của câu hỏi tu từ ‘nào hay mây giờ’ Khoa đặt ở đây cũng góp phần làm ý thơ thêm huyền ảo, tạo nên cái man mác nói trên. Có lẽ đây là nét đặc sắc nhất của bài: Khoa chỉ như hồn nhiên, bất chợt, không tính toán lựa chọn gì, khi ghi nhận những cảm giác, cảm tưởng của mình, nhưng đấy là vẻ hồn nhiên đã qua lắng đọng, là nét xúc động rất thật lúc đã được tinh lọc qua tâm hồn thi sĩ - không hề có dấu vết gọt giũa chữ nghĩa, chỉ thấy vang vọng của lòng người.

Trung thành với những xúc động ấy của mình, Khoa không xác định điều gì. Chính nhờ đó, không khí riêng của đêm thu này, sắc thái riêng của tâm trạng Khoa lúc này được thể hiện nguyên vẹn cùng với ‘ánh trăng vừa thực vừa hư’, vẫn mông lung ngây ngẩ't như không khí của hai câu thơ đầu. Nhưng đến câu cuối, bỗng dưng thay đổi hẳn, cả hình ảnh lẫn cảm giác:

‘Vườn sau gió nổi nghe nhưmưa rào’.

Cái ý vị mông lung mơ màng, cái không khí tĩnh lặng, cái cảm giác nửa thực nửa hư không còn nữa. Gió đã nổi, và nổi mạnh, ‘nghe như mưa rào’. Từ dịu êm đã chuyển thành xáo động. Thiên nhiên chuyển mùa đã thức dậy trong tầm hồn ta biết bao trăn trở. Trăng và gió đêm thu, bao người đã viết về nó - từ ‘Trái trăng thu chín mõm mòm’ của Hồ Xuân Hương, đến ‘gió no mà bay lên nguyệt kia’ của Xuân Diệu, nhưng trong bài mảnh trăng mơ hồ ‘vừa thực vừa hư’ khá mông lung huyền ảo, và trận gió nổi (‘nổi’ chứ không ‘thổi’ chung chung) phấn khích ‘nghe như mưa rào’. Ánh trăng ru êm và trận gió thức gọi - những cảm xúc phức tạp, đa dạng lúc chuyển mùa, làm phong phú thêm cuộc sống chúng ta.

Không hiểu sao tôi yêu đến thế cái bài ‘Đêm thu’ của Khoa. Thơ đọc lên thật nhẹ nhàng mà làm sống dậy trong mình cái cảm giác hòa nhập cùng thiên nhiên, vũ trụ. Một đêm thu huyền ảo, ngây ngất đồng thời gợi thức tất cả tâm hồn - một đêm thu rất thu!

Bài thơ vừa hồn nhiên, dung dị, vừa gợi mở sâu sắc. Yêu bài thơ ấy, tôi càng yêu thêm quê hương đất nước đầy ý vị dễ thương của mình. Tôi phải làm gì đây, phải sống thế nào trước một thiên nhiên hấp dẫn, một đất nước gợi cảm như vậy cho xứng đáng với cuộc đời tôi yêu?