LÀM VĂN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Miêu tả
  • Dàn ý và bài văn miêu tả phiên chợ vùng cao

Dàn ý và bài văn miêu tả phiên chợ vùng cao

Văn miêu tả cảnh là thể loại văn giúp tả miêu tả tất cả những cảnh vật xung quanh bản thân từ thục vật, động vật, quang cảnh, sự kiện,... Và đương nhiên nó cũng sẽ giúp cho bạn rất nhiều trong việc cảm nhân cuộc sống. Với bài văn miêu tả phiên chợ vùng cao này sẽ giúp bạn hiểu hơn hoặc tự tưởng tượng trong đầu của mình một phiên chợ ở vùng cao nếu như chưa có dịp đi.

I.  DÀN Ý

1.  Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Chợ vùng cao là nơi tập trung các sản vật quý của núi rừng và thể hiện đặc điểm văn hoá đa dạng của các dân tộc thiểu số.

2.  Thân bài:

* Tả cảnh chợ:

- Chợ họp vào ngày cuối tuần. Người đi chợ mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình, từ các ngả đường kéo về chợ.

- Phiên chợ là ngày hội của mọi người.

- Hàng hoá phong phú, cảnh mua bán tấp nập.

- Cảnh mua bán ở dãy hàng vải vóc, tạp hoá, trái cây...

- Cảnh cửa hàng ăn uống rộn rã tiếng nói, tiếng cười.

3.  Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Chợ tan nhưng dư âm còn vọng lại: tiếng lục lạc ngựa leng keng, tiếng khèn văng vẳng trong gió chiều...

- Phiên chợ vùng cao như một bức tranh nhiều màu sắc và ấm áp tình người.

II.  Bài làm

Ai đã từng một lần đặt chân lên đất Sa Pa thơ mộng, hẳn không thể nào quên ấn tượng sâu đậm, kì thú về phiên chợ Bắc Hà, nơi tập trung rõ nhất đặc điểm các dân tộc thiểu số vùng cao cùng những sản vật quý giá của núi rừng Tây Bắc.

Giống như các chợ Cán Cấu, Simacai... phiên chợ Bắc Hà quê em thường họp vào ngày cuối tuần. Tờ mờ sáng, từ những bản làng xa xôi, hẻo lánh, từng đoàn người nối nhau đổ về chợ. Các em bé, các cụ già, các chàng trai, cô gái Hmông, Dao, Tày... ai cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất mang sắc thái của dân tộc mình. Mấy chị người Dao áo xanh, váy đen, khuyên bạc đeo tai, vòng bạc đeo trên cổ, trên tay. Con gái Hmông váy áo xanh, thêu hoa văn nhiều màu rực rỡ, lưng đeo gùi, tay cầm ô, bước nhanh thoăn thoắt. Trẻ con đi thành từng nhóm, ríu rít nói cười.

Người vùng cao đi chợ gùi hàng trên lưng. Họ mang đến chợ những sản vật vườn nhà như su hào, bắp cải, mận, táo, ngô... hay thu hái được trong rừng như nấm, măng, mộc nhĩ, thảo quả, sa nhân cùng những thứ cây làm thuốc khác. Phụ nữ thường đi bộ, đàn ông dắt ngựa, trên lưng ngựa chất những bao hàng lớn. Chỗ dốc đổ xuống chợ có tốp người Thái trắng. Người thì tay ôm khư khư con gà trống, người thì tay dắt con, tay dắt chó...

Lúc vừng hồng hiện ra giữa màn mây trắng xốp, phiên chợ bắt đầu. Hàng hoá ở chợ Bắc Hà cũng chia thành từng khu riêng biệt. Khu bán nông sản, gia cầm, khu bán vải vóc, váy áo, khu hàng ăn, khu lò rèn, đồ mộc... Người mua, kẻ bán đông đúc, ồn ào, náo nhiệt. Các bà, các chị xúm xít quanh những quầy vải lanh, thổ cẩm rực rỡ muôn màu sắc. Họ ướm thử thứ mình định mua rồi khen, chê, hỏi giá... Dãy hàng bách hoá bày la liệt hàng trăm mặt hàng đưa từ Trung Quốc sang hay ở dưới xuôi lên. Các chị các cô thích mua gương lược, chỉ thêu và đồ trang sức.

Em thích nhất là dãy bán trái cây. Nhiều loại là đặc sản của Sa Pa như táo Mèo, mận hậu, đào, lê, mắc-coọc... chỉ nhìn qua đã thấy thèm, muốn được thưởng thức hương vị tuyệt vời của chúng. Trái đào hồng ửng như má trẻ thơ, màu lê vàng nuột, mắc-coọc vàng nâu, mận hậu tím, xanh chất đầy trong gùi, nối dài thành dãy. Hương thơm quyện vào nhau hấp dẫn lạ lùng.

Chợ Bắc Hà có hai khu tụ tập nhiều đàn ông hơn cả là khu mua bán gia súc như ngựa, trâu, bò, dê, lợn... và khu bán hàng ăn uống. Quanh chảo thắng cố sôi sùng sục, họ chụm đầu vào nhau tốp năm, tốp ba uống rượu bằng bát, ăn mèn mén với thắng cố hoặc nhấm nháp những món thịt rừng nướng thơm phức. Tiếng chuyện trò, đùa giỡn ồn ào. Mặt ai cũng phừng phừng men rượu. Cách đấy không xa, các bà, các chị cùng đám trẻ quây quần ăn phở chua, xôi đậu hay bánh ngô nướng nóng hổi trên những chậu than hồng.

Cung cách mua bán của người vùng cao rất thật thà, chất phác, ít cò kè, thêm bớt. Kẻ bán, người mua đều vui vẻ vì họ coi chợ phiên như một ngày hội Đềgặp gõ, trao đổi tình cảm với nhau.

Trời đã quá trưa, chợ vãn dần, dòng người lại toả về các ngả đường chênh vênh trên sườn núi. Tiếng lục lạc ngựa leng keng, tiếng sáo Mèo, tiếng khèn, tiếng kèn lá văng vẳng trong gió chiều lồng lộng. Những chiếc ô xoè thấp thoáng xa dần trong bạt ngàn màu xanh cây lá. ở xứ sở của sương mù và mây trắng Sa Pa, phiên chợ Bắc Hà với nhiều màu sắc giống như một bức tranh ấm áp và đầy sức sống.